Trữ lượng các bon vùng đầm lầy – tiềm năng cho thị trường các bon

ThienNhien.Net – Theo một phát hiện của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) gần đây, mặc dù thế giới đã đầu tư hàng tỉ đô la nhằm làm giảm lượng phát thải khí CO2 nhưng vẫn chưa có một cơ chế chung nào để ngăn chặn lượng phát thải cácbon rất lớn từ các vùng đất ngập nước, đặc biệt là các vùng than bùn. Việc bảo vệ các vùng than bùn không để bị thoái hoá thông qua việc tận dụng các vùng đất nghèo kiệt sẽ là một các thức giảm phát thải CO2 hiệu quả về mặt kinh tế.

Tổ chức Đất ngập nước Quốc tế vừa qua đã kêu gọi rằng cần phải ưu tiên thiết lập một cơ chế tài chính toàn cầu cho việc bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước trong chương trình hành động về biến đổi khí hậu. Trong đó, hoạt động buôn bán cácbon một cách tự nguyện sẽ đóng vai trò quan trọng.
 
Càng ngày càng có nhiều tổ chức và quốc gia nhận thấy vai trò bảo vệ quan trọng của các vùng đất than bùn còn lại trên thế giới. Trữ lượng các bon khổng lồ của những nơi này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của thế giới, tương đương với tổng lượng phát thải nhiên liệu hoá thạch của thế giới trong khoảng 100 năm. Việc con người sử dụng không hợp lý những vùng than bùn đang khiến khí CO2 đang phát thải nhanh chóng. Sự suy thoái của các vùng đầm lầy nhiệt đới hoàn toàn có thể ngăn chặn được và việc bảo tồn, phục hồi chúng sẽ trở mang đến cơ hội lớn cho những đất nước có nhiều diện tích đầm lầy than bùn lớn như Inđônêxia.
 
Trong bản tin gần đây nhất của mình, Bloomberg Media nhận định rằng việc ngăn chặn sự khô hạn của các vùng đầm lầy than bùn và sử dụng các bon được tích trữ trong đó để bù đắp cho sự phát thải cácbon ở những nơi khác có thể trị giá tới 29 tỉ euro (39 tỉ đô la) mỗi năm. Tính toán này dựa trên ước tính của Liên hợp quốc về giá của một tấn cácbon thương mại là 14,59 erô, và trên nghiên cứu của Tổ chức Đất ngập nước Quốc tế và Viện Nghiên cứu và Tư vấn Thuỷ văn đã cho biết mỗi năm có khoảng 2 tỉ tấn CO2 bị mất đi từ các vùng đầm lầy than bùn nhiệt đới. Điều đó cho thấy nơi này rất có tiềm năng tham gia thị trường buôn bán các bon.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có hệ thống quốc tế nào khuyến khích các quốc gia duy trì và phục hồi các mỏ cácbon đang bị đe doạ này. Chẳng hạn trong cơ chế phát triển sạch (CDM) của Liên hợp quốc không hề đề cập đến việc cắt giảm phát thải cácbon bằng cách phòng tránh suy thoái đất than bùn, đồng thời, cũng không một hiệp định thương mại các bon chính thức nào đề cập đến sự phát thải có thể tránh được khi cácbon được giữ nguyên vẹn trong lòng đất.
 
Nếu lời kêu gọi của Tổ chức Đất ngập nước Quốc tế trở thành hiện thực, lợi ích mà các quốc gia thu được không chỉ là việc lưu giữ được nguồn tài nguyên khí các bon mà còn góp phần giảm đói nghèo và bảo tồn đa dạng sinh học.
Một nguồn quỹ cam kết về lưu giữ khí các bon tại các vùng đất ngập nước sẽ giúp các nhà đầu tư có thể bồi thường cho những phát thải của họ và có thể mua bán, trao đổi. Quỹ này sẽ được sử dụng để bảo vệ các “kho” các bon trong các vùng đầm lầy than bùn nhiệt đới, đồng thời giúp duy trì cuộc sống người dân địa phương và bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học nơi đây. Cần từng bước đạt được một cơ chế thị trường cho nguồn tài nguyên này, từ đó bắt đầu các dự án thử nghiệm và phải được đảm bảo bởi những cam kết của các Quốc gia như bảo vệ và phục hồi phần đất than bùn được chia sẻ.
 
Trong hội nghị liên Chính phủ về Công ước đa dạng sinh học (CBD-SBSTTA) hồi đầu tháng 7, 12 quốc gia đã thống nhất về tầm quan trọng của đất than bùn, đặc biệt là đất than bùn nhiệt đới. Họ cũng chỉ ra rằng, việc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất than bùn sẽ là một công cụ hiệu quả trong việc chống lại thay đổi khí hậu. Sự ủng hộ đang ngày càng tăng cho việc bảo vệ và phục hồi đất than bùn mở ra một cánh cửa đến với những giải pháp của các tổ chức và cá nhân. Vì vậy, Tổ chức Đất ngập nước Quốc tế kêu gọi sự cộng tác của các nhà đầu tư cũng như cam kết của các Chính phủ nhằm phát triển các Quỹ hỗ trợ cũng như thực hiện các cơ chế phù hợp.