Sau thành công của khu vực Bắc Trung Bộ về chuyển nhượng các bon rừng, Quảng Nam là một trong những địa phương đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, tìm kiếm các đối tác phù hợp để tham gia vào thị trường này, hướng tới chiến lược phát triển bền vững.
Nhộn nhịp thị trường các bon
Năm 2023 là năm đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng (khoảng 10,3 triệu tấn) thông qua Ngân hàng thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn. Tổng giá trị hợp đồng hơn 51,5 triệu USD. Giao dịch này nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ giữa Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (thuộc WB) và Bộ NN&PTNT.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận 41,2 triệu USD (khoảng 959 tỷ đồng) tiền thanh toán đợt 1 từ WB cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó Nghệ An hơn 282 tỷ đồng, Quảng Bình hơn 235 ty đồng, Thanh Hóa 162 tỷ đồng, Hà Tĩnh 122 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 107 tỷ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), nguồn tiền bán tín chỉ các bon sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Đáng chú ý, sẽ có một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển rừng và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân dưới tán rừng.
Hiện nay trên thế giới, tín chỉ các bon như một loại hàng hóa. Bên mua (nơi phát thải nhiều) cần tín chỉ các bon để thực hiện các cam kết, nghĩa vụ giảm phát thải nhà kính. Còn bên bán là nơi có năng lực giảm phát thải. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2 và cuối cùng quy đổi ra tín chỉ các-bon, bán ra thị thường.
Theo thống kê, đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá các bon, với tổng lượng khí thải nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2.
Nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD. Song, để phát triển thị trường các bon ở Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các bon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ.
Quảng Nam “nghẽn” từ đâu?
Thông tin 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ bán tín chỉ các bon rừng cho WB khiến nhiều người thắc mắc: Tại sao sau nhiều năm tiên phong xây dựng đề án, đàm phán với các nhà đầu tư mua tín chỉ các bon rừng, song Quảng Nam hiện vẫn chưa được hưởng lợi? Vậy đâu là “điểm nghẽn” làm chậm lộ trình trao đổi, chuyển nhượng thị trường hàng hóa mới mẻ này của tỉnh.
Năm 2021, Chính phủ đồng ý về chủ trương cho Quảng Nam lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon rừng; thời gian thí điểm 5 năm, từ 2021 – 2025.
Hiện nay tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 680.806ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 463.530ha, rừng trồng 217.276ha. Với độ che phủ rừng đạt 58,7%, khả năng hấp thụ khoảng hơn 11,2 triệu tấn khí các bon trong giai đoạn 2018 – 2030, Quảng Nam hoàn toàn đáp ứng các nhu cầu, điều kiện để bán tín chỉ các bon rừng ra thị trường thế giới.
Đã có ít nhất 5 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép tín chỉ các bon rừng của Quảng Nam. Song, đến nay công tác này chỉ mới dừng lại ở việc lập hồ sơ và tìm kiếm đối tác.
Vì sao 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bán được tín chỉ các bon rừng, Quảng Nam lại chưa? Trả lời câu hỏi này, ông Hà Phước Phú – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo Luật Đấu thầu.
Riêng dự án kinh doanh tín chỉ các bon rừng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ do Bộ NN&PTNT thực hiện theo chương trình FCPF REDD+ trên thị trường bắt buộc; trong khi đó Quảng Nam đang thí điểm trên thị trường tự nguyện (giá đương nhiên sẽ cao hơn thị trường bắt buộc).
Khó khăn nữa là hiện chưa có quy định về hạn mức đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris) của từng địa phương, nên khi phát hành tín chỉ sẽ không thể xác định lượng tín chỉ có thể bán được là bao nhiêu.
Quyền sở hữu các bon rừng theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định rõ quyền tín chỉ là của địa phương, tuy nhiên hiện nay nghị định vẫn chưa được chính thức ban hành.
Dự án 6 tỉnh Bắc Trung Bộ ký kết bán tín chỉ các bon rừng cho WB chỉ thí điểm đến hết 31/12/2026. “Thị trường tự nguyện mới lâu dài, giá sẽ cao hơn thị trường bắt buộc nhưng Chính phủ phải có nghị định hoặc thông tư hướng dẫn. Rào cản pháp lý là đây. Nghị định 107 của Chính phủ chỉ áp dụng cho dự án 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và khi đàm phán ký kết với WB tháng 2/2020, trước đó ngành lâm nghiệp đã làm việc với họ từ nhiều năm” – ông Phú nói.
Tìm cách gỡ khó
Cũng cần nhắc lại, từ năm 2021 UBND tỉnh đã lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng, nhưng đến cuối tháng 1/2024 Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa phê duyệt đề án và Quảng Nam đang gặp vướng mắc trong thủ tục lập hồ sơ, đám phán với nhà đầu tư.
UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tập trung hoàn chỉnh Hồ sơ dự án đảm bảo theo tiêu chuẩn VCS (số tín chỉ các bon được xác minh và phát hành sau khi trừ số lượng tín chỉ dự phòng theo quy định thẩm tra) và CCB (tiêu chuẩn khí hậu, cộng đồng, đa dạng sinh học) và trình tổ chức VERA phê duyệt, phát hành tín chỉ nhằm có thể bán được tín chỉ các bon với giá cao; đồng thời thúc đẩy tiến trình phê duyệt đề án của Chính phủ.
Ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, khó khăn của tỉnh là các đối tác yêu cầu hồ sơ rất khắt khe. Chẳng hạn, yêu cầu bán trực tiếp không qua đấu giá, song vấn đề này pháp luật Việt Nam không cho phép.
Cạnh đó, một số đối tác qua xem xét hồ sơ không đảm bảo năng lực; tín chỉ các bon cũng có rất nhiều giá. Một số khác thì nhiều yêu cầu về cam kết trong việc sử dụng nguồn kinh phí, đảm bảo chi hợp lý và phát huy giá trị nguồn tiền.
“Đây là lĩnh lực mới, đòi hỏi chuyên môn cao. Quảng Nam hiện vẫn đang thuê đơn vị tư vấn có chuyên môn xây dựng hồ sơ, tìm kiếm đối tác. Bán tín chỉ các bon rừng sẽ đảm bảo quyền lợi bền vững, phát huy giá trị rừng Quảng Nam để phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao khả năng bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Quảng Nam sẽ nỗ lực tham gia thị trường các bon nhưng công việc này sẽ không thể thực hiện nhanh được. Điều kiện cần và đủ là khi hồ sơ thẩm định được và tìm được đối tác phù hợp, thỏa thuận mua – bán phù hợp với pháp luật Việt Nam” – ông Út cho biết.
Năm 2023, trong việc hoàn thiện dự án tín chỉ các bon rừng, Tổng cục Lâm nghiệp đã yêu cầu Quảng Nam phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, tài chính, tính khả thi, không chồng chéo, trùng lặp với các chương trình, dự án khác. Đồng thời tuân thủ các quy định về nội dung dự án theo quy định của pháp luật trong nước và đáp ứng yêu cầu thẩm tra, xác minh kết quả hấp thụ các bon rừng theo tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế được công nhận.
Những cột mốc thời gian Quảng Nam xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng:
Năm 2018, UBND tỉnh xây dựng và phê duyệt Kế hoạch hành động (REDD+) tỉnh Quảng Nam theo Quyết định số 419 ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5414 ngày 25/12/2015 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sau khi lấy ý kiến của các bộ ngành Trung ương.
Trên cơ sở hồ sơ REDD+, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, UBND tỉnh đã lập Báo cáo đánh giá khả thi về cơ hội đầu tư vào các bon từ REDD+ và thu hút nhiều nhà đầu tư/người mua tiềm năng, đồng thời xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 26/5/2021, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3479 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc thống nhất chủ trương cho Quảng Nam nghiên cứu, lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng. Các đối tác tiềm năng cam kết hỗ trợ tỉnh xây dựng dự án đảm bảo theo các tiêu chuẩn mới nhất nhằm bán được tín chỉ các bon với giá cao nhất.
Ngày 25/10/2022, UBND tỉnh có Tờ trình số 6986 đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho lựa chọn nhà đầu tư để hoàn thiện Hồ sơ tín chỉ các bon rừng từ REDD+ tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp tại Công văn số 686, ngày 4/5/2023: “Việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu hay nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ tín chỉ các bon rừng từ REDD+ của Quảng Nam thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Việc xem xét, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh”.
Hết tháng 1/2024, tỉnh vẫn chưa hoàn thiện Hồ sơ dự án đảm bảo theo tiêu chuẩn VCS, CCB phiên bản mới nhất nên chưa thể trình VERA phê duyệt để tiếp tục tiến trình đề xuất phê duyệt đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng theo thị trường tự nguyện. Hiện, Quảng Nam đang rà soát các bước để thúc đẩy quá trình hoàn thiện hồ sơ.