Trải nghiệm thú vị cùng rùa biển “vượt cạn” ở Côn Đảo

Việc tham gia bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo không chỉ góp một phần vào công tác bảo tồn rùa biển mà còn nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và động vật hoang dã.

Việt Nam có đường bờ biển trải dài hơn 3.260km cùng hàng ngàn đảo xa bờ, là nơi cư trú của nhiều loài rùa biển như rùa da, rùa xanh/vích, đồi mồi, quản đồng và đồi mồi dứa… Các loài vật này hiện đang được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã hình thành khu bảo tồn biển với các hoạt động cứu hộ rùa biển, bảo vệ các bãi đẻ, trứng rùa,… điển hình như huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Với tỷ lệ sống rất thấp, chỉ khoảng 1/1.000, rùa biển là động vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới để bảo tồn trước nguy cơ tuyệt chủng. Số lượng rùa đẻ trứng ở Côn Đảo chiếm hơn 85% tổng số rùa đẻ ở khắp các vùng biển Việt Nam.

Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển và đây cũng là một trải nghiệm du lịch hiếm có. Ảnh: Hoàng Phước

Mùa rùa sinh sản từ tháng 6 đến tháng 9, cũng là lúc nhiều khách du lịch, tình nguyện viên trong và ngoài nước đến tham gia hỗ trợ quy trình bảo tồn rùa biển.

Tham gia đỡ đẻ và thả rùa về biển tại Côn Đảo vào tháng 6 vừa qua, anh Nguyễn Hoàng Phước, tình nguyện viên Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết, rùa thường tập trung chủ yếu ở Hòn Bảy Cạnh, một hòn đảo nhỏ thuộc huyện Côn Đảo.

Anh Hoàng Phước cùng kiểm lâm, các tình nguyện viên và du khách thả rùa về biển. Ảnh: Hoàng Phước

Tuỳ theo con nước, rùa bơi vào bờ để đẻ trứng vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Tuy nhiên, rùa thường lên bờ vào ban đêm. Một rùa mẹ trung bình đẻ được khoảng 80 trứng đến 150 trứng tại Côn Đảo.

Rùa mẹ sẽ chọn một khu vực cát mịn gần các lùm cây rồi dùng hai chân trước của mình đào tổ, sau đó dùng hai chân sau đào một lỗ sâu chừng 50 – 60cm, rộng khoảng 20 cm và bắt đầu đẻ trứng. Sau khi lấp xong tổ trứng, rùa biển lại tiếp tục dùng chân trước lấp xung quanh ổ với chiều dài 5 – 6 m để xóa dấu vết và ngụy trang cho tổ trứng của mình.

Theo anh Phước, công việc bảo tồn rùa biển khá vất vả. Ảnh: Hoàng Phước

Theo anh Phước, công việc bảo tồn rùa biển khá mệt và cực. Mỗi đêm mọi người chỉ ngủ nhiều nhất là 4 tiếng và cứ thế kéo dài liên tiếp. Có nhiều đêm nằm chờ rùa ngoài bãi biển, anh Phước mệt quá mà cứ ngủ lịm đi. Được một lúc thì nghe âm thanh lạo xạo trên cát, mở mắt ra thấy rùa mẹ đang chậm chạp bò ngay bên cạnh.

Chia sẻ với Lao Động, anh Phước nói: “Tất nhiên trước khi bắt đầu tham gia chương trình, các tình nguyện viên đã được các anh chị của IUCN và Vườn Quốc Gia Côn Đảo chia sẻ về những cách thức/quy trình “đỡ đẻ” cho rùa nhưng đến khi ra thực địa thì vẫn có cảm giác bỡ ngỡ và lúng túng, nhưng chỉ đến ngày thứ 2 thôi thì mọi việc đã được bọn mình thực hiện một cách trơn tru”.

Các tình nguyện viên của IUCN tại Trại Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh. Ảnh: Hoàng Phước

Theo lời kể của anh Phước, có một lần khi trực trên bãi biển lúc 2h sáng đợi rùa lên đẻ, đợi lâu quá anh ngủ gục dưới bầu trời đầy sao lúc nào không hay biết, được một lát nghe tiếng lao xao chợt tỉnh dậy thì thấy một bạn rùa đang bò ngay bên cạnh, lúc đó mình vừa giật mình, vừa hồi hộp, vừa thích thú và cũng “tỉnh ngủ” để bắt đầu vào việc theo dõi, quan sát và đỡ đẻ cho rùa.

Khi tận tay được lấy những quả trứng mang về tổ ấp thì thật sự những mệt mỏi bỗng dưng không còn là gì với giá trị và ý nghĩa mà công việc này đã đem đến cho bản thân anh Phước cũng như cho cộng đồng.

“Mình thật sự rất cám ơn tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN và Vườn Quốc Gia Côn Đảo đã tổ chức một chương trình mang tính nhân văn và đầy ý nghĩa như thế này” anh Phước bày tỏ.