“Bà đỡ” của rùa biển

Từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, rùa biển vào mùa sinh sản. Đây cũng là thời gian mất ngủ của Đội tình nguyện (ĐTN) bảo vệ rùa biển thuộc Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa, Ninh Thuận.

Theo chân anh Phạm Văn Xiêm (Trưởng phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, VQG Núi Chúa), chúng tôi trèo qua dãy núi đá Bầu Ông Dĩ, cách TP Phan Rang – Tháp Chàm 35km về hướng Đông-Bắc để đến bãi Thịt. Đây là 1 trong 2 “nhà hộ sinh” lý tưởng cho rùa đẻ ở nước ta – điểm còn lại ở Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Bãi Thịt là một bãi cát trắng mịn, dài hơn 2km, rộng 500m, tọa lạc tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Theo nhiều người, bãi biển có cái tên “xôi thịt” như thế vì vùng biển này có rất nhiều rùa, người dân thường rỉ tai nhau “muốn ăn thịt (rùa) cứ đến đó, là có…”.

Trước sự đánh bắt ráo riết, cộng với tỷ lệ rùa “đậu” từ khi nở đến lúc trưởng thành chỉ là 1‰, tức 1.000 rùa nở ra mới có 1 con sống sót được đến khi trưởng thành, rùa hiếm dần. Năm 2001, với sự giúp đỡ của WWF (World Wildlife Fund – Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên), ĐTN bảo vệ rùa bãi Thịt ra đời với 8 người, đều ở thôn Thái An. “Trụ sở” của đội là gian nhà cấp 4, rộng 15m2, nằm trên bãi Thịt.

Rùa đẻ vào ban đêm và thường lên bờ theo con nước. Anh em cứ nắm quy luật con nước mà đi tuần. 0 giờ sáng, có tín hiệu đèn pin từ phía hai tình nguyện viên Thành Ngọc Coy Dum (28 tuổi, dân tộc Chăm) và ông Mười Nuôi (72 tuổi). “Rùa lên rồi” – anh Nguyễn Văn Cường, đội trưởng hồ hởi. Một chị rùa xanh đang dùng hai bơi trước khoét sâu thêm hố cát – ổ đẻ. Mọi người cũng tự khoét cho mình một hố nằm cạnh ổ đẻ của rùa. Rùa đẻ. Từng quả trứng, có lúc 2 – 3 quả liền, tròn xoe như trái bóng bàn, vỏ trong suốt, ngà ngà như trứng gà non. Do rùa ít bị nhiễu loạn khi đẻ nên anh em cứ nằm sát miệng hố rọi đèn pin xem. 4 giờ sáng, chị rùa vượt cạn xong. Rùa mẹ thở phì phì, như trâu, rồi dùng hai bơi sau hất cát lấp ổ trứng. Vừa giũ cát khỏi đầu, anh Xiêm “thuyết minh”: “Rùa mẹ rất “quái”. Nó không lấp cát tại chỗ mà thường đứng xa một khoảng rồi từ đó hất cát vào nhằm tạo… hiện trường giả, đánh lừa những kẻ muốn lấy cắp ổ trứng của nó”.
Xong xuôi, rùa mẹ mệt mỏi trở lại biển. Đã gần 5 giờ sáng, mọi người lúc này mới từ từ bới cát, móc từng quả trứng đặt vào rổ để chuyển sang hố mới đã đào sẵn từ trước. Ông Mười Nuôi giảng giải: “Công tác cứu hộ rùa sau đẻ phải tiến hành gấp rút trong lúc vỏ trứng còn mềm – trong vòng 5 tiếng sau khi rùa đẻ và mặt trời chưa ló. Việc trứng rùa nở thành con cái hay đực phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ, trên 32 độ C trứng sẽ nở ra rùa đực và ngược lại, dưới 32 độ C sẽ nở ra toàn rùa cái. Nên khi đào, anh em phải “thiết kế” hố tuân theo hình dạng tự nhiên – như chiếc hồ lô và phải phân bố trứng đúng như rùa mẹ đã đẻ, nhằm tránh phá vỡ cân bằng tự nhiên”.

Sau khoảng 70 ngày, trứng sẽ tự nở. Rùa nở cũng đặc biệt là chúng nở hết rồi “đội cát” trồi lên cả đoàn, rồi nghe hướng gió mà chạy thẳng xuống biển như hoa hướng dương lúc nào cũng quay về mặt trời.

Công việc cực nhọc vậy nhưng mỗi người chỉ được hỗ trợ 200 ngàn đồng/tháng. Anh Huỳnh Ngọc Tiến, 40 tuổi, đã 2 năm gắn bó với “nhà hộ sinh” ven biển này tâm sự: “Kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào 6 sào nho và tỏi, do bàn tay bà xã ở nhà và 4 đứa con chăm sóc. Tiền trợ cấp không đủ tiền xăng xe đi từ nhà đến đây. Còn gạo, thức ăn, thậm chí cả đồ nhắm… anh em mang đến là đều “xin” từ nhà đi. Vợ nhiều khi cũng cằn nhằn bởi chồng “mất hút” cả đêm. Nhưng “say” rùa rồi, không bỏ được”.

Ông Mười Nuôi là người cao tuổi nhất trong đội, trước đây nổi tiếng là “sát sinh” rùa. Tham gia từ ngày đầu thành lập ĐTN, ông bỏ hẳn thói quen đến đây săn rùa. Không quản ngại tuổi già, hàng ngày ông vẫn cùng anh em băng rừng đến đây chăm cho rùa. “Gắn bó với rùa 6 năm nay, anh em thuộc từng tính nết con rùa. Loài rùa cũng như cá hồi, chúng sinh ra ở đâu thì khi trưởng thành, sẽ về chính nơi đó để đẻ. Có con vượt hàng ngàn cây số về đến bờ biển “quê hương”, máu mồm chảy ròng ròng, bơi trước bơi sau trầy xước trông đến tội. Rùa còn có tình có nghĩa thế nữa là con người…” – ông chia sẻ.

Hàng năm, ĐTN thả xuống biển được hơn 1.000 rùa con – họ đang góp phần lưu giữ nguồn gen rùa biển” – kỹ sư Xiêm cho hay.

 
Việt Nam có 5 trong số 7 lòai rùa biển trên thế giới (gồm vích (Chelonia mydas), đồi mồi (Eretmochelys imbricata), quản đồng (Lepidochlys olivacea), rùa đầu to (Caretta caretta) và rùa da (Dermochelys coriacea)). VQG Núi Chúa có cả 5 lòai này. Hàng năm, có khoảng 100 lượt rùa lên bãi đẻ trứng, trong mùa sinh sản, mỗi cá thể rùa trưởng thành có thể đẻ từ 1 đến 10 ổ, mỗi ổ từ 52 đến 130 trứng.