Nàng dâu tây bảo tồn thiên nhiên Việt

Không biết thì hỏi. Nghe chưa rõ lại hỏi tiếp. Nói cho người khác nghe, người nghe chưa hiểu thì nói cho bằng hiểu. Và tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ chính mà cô gái tóc vàng, nhà sinh vật học Bettina sử dụng hàng ngày để hóa giải những điều đó.
Đức phu quân là một họa sĩ trẻ tài năng người Việt, 10 năm qua, chị rời quê hương Đức đến Việt Nam sống và tham gia công tác bảo tồn thiên nhiên.
Bảo vệ thiên nhiên như là lẽ sống:
“Nếu bây giờ mà Bettina tham gia ứng cử đại biểu quốc hội tỉnh này thì có lẽ được đấy nhỉ!”. Chúng tôi nói vui với Bettina khi cùng chị và đoàn công tác của trường Đại học Lâm nghiệp đến huyện Nà Hang -Tuyên Quang khảo sát cho dự án hỗ trợ, giúp đỡ bà con ở một số bản làng trồng trọt cải thiện cuộc sống.
Đây là dự án mới do chị xin được tài trợ từ tổ chức Schmitz Stiftung. Gặp lại chị, ai cũng vui mừng.10 năm trước, Bettina đã có mặt ở Nà Hang và ở đây, chị là một người quen.
Ngày ấy, cô cử nhân sinh vật học rời quê hương (tỉnh Baden Wuntemberg, Đức) sang Việt Nam tham gia Dự án bảo tồn loài voọc mũi hếch Nà Hang-Tuyên Quang -loài voọc quí có nguy cơ tuyệt chủng bởi nạn săn bắn của người dân chỉ còn khoảng 100 cá thể.
Mới đầu, sự xuất hiện của cô gái tóc vàng giữa vùng núi heo hút là một điều lạ đối với đồng bào nơi đây. Sau rồi họ mới ngợ ra rằng, có một cô tây ở xa lơ xa lắc đến bảo vệ rừng, bảo vệ động vật nơi họ đang sống mà họ thì lại đang “góp phần” vào việc phá hoại rừng: chặt cây, săn bắn thú…
Sống trong điều kiện rất vất vả, lại bất đồng ngôn ngữ nhưng Bettina quyết tâm tự học tiếng Việt để tiếp xúc, tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng. Giờ thì hình ảnh Bettina đã quá đỗi quen thuộc với người dân Tuyên Quang. Đặc biệt, với nhiều cán bộ kiểm lâm nơi đây, chị như là anh em trong một nhà sau những chuyến tuần rừng. Đi đâu chị cũng dặn bà con đừng phá rừng, đừng săn bắn động vật hoang dã…
Hôm rời trụ sở Chi cục kiểm lâm Tuyên Quang, trên đường trở về Hà Nội, đoạn đến km 20, Bettina tình cờ nhìn thấy một con mèo rừng đang bị bày bán bên đường, chị liền gọi ngay cho Chi cục trưởng kiểm lâm và khẩn thiết đề nghị Chi cục phải cho người tới ngay.
Tôi lại nhớ cái hôm chị lên Vườn quốc gia Tam Đảo, lúc đi qua các quầy hàng, nhiều người nói vọng ra với chị: “Bây giờ chẳng có người bán động vật hoang dã đâu”. “Ai làm thế là Bettina buồn lắm”, Bettina cười và tôi hiểu những nỗ lực của chị đã làm thay đổi được nhận thức, hành vi của người dân đối với môi trường thiên nhiên.
Trái tim thuộc về nước Việt:
Bận rộn là thế nhưng bên cạnh chị đã có hoạ sĩ Tuấn Anh, người đoạt giải nhất giải Mỹ thuật Việt Nam năm 2003, người chồng rất đỗi yêu thương và chia sẻ với chị từng chút công việc. “Bettina luôn say mê với công việc và là một người thẳng thắn đáng yêu”. Cũng chính vì sự thẳng thắn đó đã đưa hai con người này lại thành đôi.
– “Khi chưa gặp Tuấn Anh tôi đã rất thích tranh của anh ấy rồi. Năm 1999, trong lần từ Tuyên Quang về Hà Nội, tôi tình cờ gặp anh qua một người bạn. Khi ấy anh đang vẽ tranh tuyên truyền cho một dự án về vệ sinh môi trường của đồng bào dân tộc. Tôi đã đề nghị Tuấn Anh vẽ tranh tuyên truyền cho dự án của tôi ở Nà Hang và từ đó chúng tôi trở thành bạn của nhau”- Bettina.
– “Những câu chuyện về nghệ thuật, cuộc sống và sự quan tâm, chăm sóc theo đúng nghĩa một người bạn của tôi dành cho Bettina đã nảy sinh trong chúng tôi tình cảm đôi lứa”-Tuấn Anh.
Không lâu sau đó, họ trở thành vợ chồng. Giờ thì Bettina nói tiếng Việt rất tốt. “Tôi sẽ sống và làm việc ở Việt Nam cùng chồng. Ở đây, tôi cảm thấy con người đỡ cô đơn hơn thì phải”. Bettina khoe rằng, những người hàng xóm hay thậm chí là các chị bán hàng tạp hóa ở ngõ, ở chợ đều biết vợ chồng họ.
Vài tháng họ lại về thành phố Thanh Hóa thăm gia đình Tuấn Anh. Đặc biệt vào mỗi dịp Tết cổ truyền, nàng dâu Tây lại có dịp chổ tài nấu nướng cùng mẹ chồng. “Trái tim tôi đã thuộc về nước Việt”, Bettina mỉm cười rồi cầm cây đàn nhị ra chơi một bản nhạc. Chị bảo, tôi muốn hiểu Việt Nam nhiều hơn từ chính những loại nhạc cụ truyền thống này.