Cây Giẻ Yên Thế ở Quảng Trị – tiềm năng một loài cây bản địa

ThienNhien.Net – Việt Nam có hơn 200 loài thuộc họ Sồi, Giẻ – Fagaceae. Quảng Trị số loài Giẻ chiếm 1/3. Tất cả các loài Sồi, Giẻ đều thuộc cây gỗ to, cao đến 25 m, đường kính 0,5 m, có giá trị về gỗ, một số loài có quả ăn ngon. Đặc biệt, có hai loài có quả đang được tiêu thụ trên thị trường có là giẻ Cao Bằng và giẻ Yên Thế.

Tại Quảng Trị cây giẻ Yên Thế – Castaropsis boisii – phân bố rộng từ độ cao 1-3m (Hải Xuân – Hải Lăng), 10-20m (Vĩnh Linh) cho đến 500-600m (Khe Sanh – Hướng Hoá). Chúng có giá trị cao về mặt kinh tế. Gỗ được dùng làm đồ mộc, vỏ chứa nhiều chất tanin, mật ong từ hoa giẻ là loại mật ong quý. Thân, cành, nhánh của cây giẻ sản xuất được nhiều loài nấm như: nấm Sò, Mộc Nhĩ,… Giẻ Yên Thế cho quả ăn ngon, ở rừng tái sinh tự nhiên thuần loài, nếu điều chỉnh mật độ thích hợp sẽ cho năng suất 500kg/ha/năm.

Giẻ Yên Thế được xếp là loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị và đang được quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều vùng phân bố tại Quảng Trị chưa được khai thác làm cây trồng rừng và thu hoạch quả. Hạt giẻ chưa trở thành mặt hàng đặc sản có thể quảng bá và lưu thông. Mùa thu hoạch, người dân chỉ thu lượm về rang chín ăn chơi và có thể bán với giá không cao.

Xuất phát từ thực tế trên, việc khai thác tiềm năng đa tác dụng của cây giẻ Yên Thế ở Quảng Trị là cần thiết nhằm mục tiêu: Bổ sung thêm loài cây bản địa và cơ cấu cây trồng rừng một loài có giá trị về nhiềm mặt, loài phù hợp với khí hậu và dịa hình ở địa phương; bổ sung vào cơ cấu cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nếu được tạo cây giống bằng phương pháp vô tính sẽ cho năng suất cao 3000kg/ha/vụ, tạo cơ hội giải quyết công ăn việc làm cho người dân miền núi vừa có thu nhập khá, góp phần giảm nghèo cho cộng đồng, vừa hỗ trợ tốt cho công tác bảo vệ rừng.