Quy định mới về xuất khẩu thủy sản

Trước nguy cơ mất thị trường Nhật Bản, Bộ Thủy sản đã đưa ra những quyết định nhằm kiểm soát kháng sinh cấm. Quyết định này thể hiện sự quyết tâm của chính phủ và các doanh nghiệp trong việc đáp ứng cao nhất các nhu cầu của thị trường và giữ uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo chỉ thị ký ngày 11/07, chỉ những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm của Bộ Thủy sản mới được phép xuất khẩu vào Nhật Bản. Những lô hàng giáp xác, nhuyễn thể chân đầu, sản phẩm phối chế xuất sang Nhật phải được kiểm tra 100% về dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm. Những doanh nghiệp tiếp tục bị phát hiện sẽ tạm dừng xuất khẩu sang Nhật. Các doanh nghiệp bị đình chỉ sẽ được xuất khẩu trở lại khi tìm cách khắc phục. Những quy định này cho thấy đây là bước đi quyết liệt của Bộ Thủy sản để cùng các doanh nghiệp giải quyết vấn đề về dư lượng kháng sinh.
Theo thống kê của Vasep, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu vào Nhật khoảng 60.000 tấn sản phẩm với khoảng 6.000 lô hàng, trong đó số lô phát hiện bị cảnh báo là 94. Các lô hàng bị nhiễm là mực khô, mực đông lạnh, hàng phối chế.
Cả nước hiện có trên 300 doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật thì khoảng trên 30 doanh nghiệp có lô hàng bị nhiễm kháng sinh cấm, tuy nhiên hậu quả là rất lớn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước 6 tháng tăng 17%. Nhưng thị trường Nhật lại giảm. Giá trị xuất khẩu 5 tháng giảm 9,7%, tôm đông lạnh giảm 14,2%, hàng khô giảm 69%, khả năng kim ngạch xuất khẩu năm nay sang Nhật sẽ bị giảm sút so với năm ngoái. Vasep cho biết, các doanh nghiệp rất ủng hộ quyết định này, mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.
Cũng theo Vasep, việc đưa quyết định này vào thực hiện sẽ quản lý chặt hơn các doanh nghiệp làm chưa tốt. Quyết định của Bộ Thủy sản mang tính cấp bách, nhằm đảm bảo tất cả các lô hàng xuất sang Nhật đều đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, việc thực hiện là vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp của các doanh nghiệp, Bộ Thủy sản, các ngành liên quan, vì thực tế hiện nay hệ thống kiểm soát nguyên liệu, thị trường đang bị bỏ ngỏ.