Hãy cảnh giác với đồ tái chế

Theo số liệu của Liên hiệp quốc, mỗi năm thế giới thải ra một lượng rác thải điện tử lên tới 50 triệu tấn. Một phần lớn số rác này được chở đến Trung Quốc, cho dù luật pháp nước này về cơ bản cấm nhập khẩu rác điện tử.

Đối với chì, một chất độc hại, con đường đi của nó từ Mỹ sang Trung Quốc thường bắt đầu từ  các nhà tiêu dùng và doanh nghiệp bán các sản phẩm điện tử cũ của họ cho các công ty tái chế. Một số các công ty này lại bán chúng cho các khách hàng Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc mua phế thải điện tử tiến hành tách chì và các vật liệu khác, và bán lại chúng cho các cơ sở nấu kim loại. Đến lượt mình, các cơ sở này đem bán sản phẩm cho các nhà sản xuất đồ trang sức. Cuối cùng, đồ tái chế, đồ trang sức “mỹ ký” lại được bán cho người tiêu thụ ở Mỹ và thế giới.
 
Trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng về sự an toàn của các hàng xuất khẩu Trung Quốc, dư luận đặc biệt quan tâm đến vật liệu chì, nhất là về  hàm lượng của chúng trong các đồ chơi trẻ em. Năm nay, Ủy ban Giám sát an toàn sản phẩm tiêu thụ Mỹ (EPA) đã ban hành 18 văn bản thu hồi liên quan đến 6,7 triệu sản phẩm trang sức dành cho trẻ em và trẻ mới lớn có chứa một lượng chì gây nguy hại cho sức khỏe, trong đó hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc. Danh sách này tăng nhiều so với 10 sản phẩm bị thu hồi trong năm 2006 và 3 sản phẩm năm trước đó.
 
Người phát ngôn EPA cho biết: Trong những năm gần đây, rất nhiều đồ trang sức kim loại dành cho trẻ em có chứa một lượng chì cao được bán tại Mỹ. Nhiễm vào cơ thể, chì có thể ảnh hưởng đến não và gây tử vong. Nguy cơ này đặc biết lớn ở trẻ em, vì chúng có thói quen cho các đồ chơi vào miệng. Mặc dù vậy, ở Trung Quốc, chì vẫn là vật liệu thông dụng trong việc sản xuất dây chuyền, dây chìa khoá. Những sản phẩm này có rất nhiều, và rất rẻ. Chính phủ Trung Quốc có quy định về lượng chì trong đồ chơi, song không quy định hàm lượng chì tối đa trong đồ trang sức dành cho trẻ nhỏ. Nhiều nước khác cũng không có qui định hạn chế lượng chì, hoặc không có biện pháp kiểm soát lượng chì trong các sản phẩm này.
 
Trong khi đó, tại Mỹ, vấn đề rác thải điện tử đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các nghị sĩ. Mới đây, nghị sĩ Tom Lantos, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện đã gửi thư cho Cơ quan kế toán của Chính phủ Mỹ (GAO) bày tỏ lo ngại trước hoạt động xuất khẩu rác thải điện tử từ Mỹ ra nước ngoài và ngay lập tức GAO tuyên bố sẽ sớm bắt đầu một cuộc điều tra về vấn đề này.