Môi trường nuôi trồng thuỷ sản và cảng cá đang bị xem nhẹ

Việc khai thác quá mức nguồn lợi thuỷ sản, tăng diện tích nuôi trồng, thiếu quy hoạch, sử dụng bừa bãi các loại thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học…đã làm cho môi trường nuôi trồng thuỷ sản và cảng cá ngày càng ô nhiễm. Nếu những ngư dân, người buôn bán, vận chuyển có thể thay đổi hành vi ứng xử với môi trường thì tình hình sẽ được cải thiện đáng kể.

Môi trường tại nhiều cảng các ở nước ta hiện nay bị ô nhiễm nhưng vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Các loại chất thải bốc mùi hôi khó chịu, chất thải lỏng do quá trình sơ chế, vệ sinh hải sản xả ra; nước thải do hệ thống cống rãnh trong khu vực cảng cùng nước thải của các xí nghiệp chế biến hải sản trong khu vực gần cảng cá; chất lỏng do các xe lạnh chuyên dùng thải ra; là thủ phạm đáng kể gây ô nhiễm môi trường. Một cảng cá trung bình có 400 – 600 chiếc thuyền/ngày thì lượng xả thải ra biển khoảng 200 – 300 kg chất thải/ ngày làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng và dẫn tới thay đổi môi trường sống của các loài thuỷ sản. Mặt khác, tình trạng đánh bắt thuỷ sản trái phép bằng xung điện, hoá chất xianua (NACN) trên các rạn đá, rạn san hô đã phá huỷ môi trường sống tự nhiên của các loài thuỷ sinh. 
 
Tại các cảng cá, chất thải rắn như các loại túi nilon nếu không vớt sẽ bị lắng chìm xuống đáy, quấn vào chân vịt tàu thuyền làm gãy chân vịt và trục, gây khó khăn cho việc nạo vét cảng hàng năm.

 Qua điều tra và phân tích, các nhà khoa học cho biết, ở các khu vực môi trường cảng cá, nước thải có thành phần chủ yếu là các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất lơ lửng và vi khuẩn khá cao. Nguyên nhân chính là do trong quá trình phân loại, sơ chế hải sản, các phần thừa có nguồn gốc hữu cơ được nước rửa mang theo, bị vi khủân phân huỷ và gây suy giảm chất lượng nước. Nước bị ô nhiễm do các chất hữu cơ gây ra sự suy giảm oxy hoà tan trong nước, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của thuỷ sinh vật. Đặc biệt, khi nồng độ các chất hữu cơ cao sẽ làm thủy sinh vật chết tại chỗ hoặc phải di chuyển đến môi trường khác.



Thực trạng trên cho thấy nếu không kiên quyết triệt để trong việc xử lý, tiêu huỷ các loại chất rắn và lỏng liên quan đến việc chế biến, vận chuyển, kinh doanh các loại hải sản một cách bài bản khoa học thì sẽ có những tác hại khôn lường liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng. Trong vấn đề này, ý thức của bà con ngư dân, những người tham gia chế biến, kinh doanh, vận chuyển hải sản là rất quan trọng.
 
Về biện pháp xử lý cụ thể, có thể dùng hoá chất EM để khử mùi, thiết lập các hệ thống cống thoát, bể lắng lọc để xử lý trước khi cho ra sông, biển. Thường xuyên thu gom rác thải, các phương tiện vận chuyển khi ra khỏi cảng cá, bến cá. Khi lưu thông không để rơi vãi bất cứ loại nước thải, chất thải nào. Nếu vi phạm cơ quan quản lý cảng phải có chế tài xử phạt cụ thể. Tuyên truyền giáo dục phải đi đôi với các biện pháp mạnh trong xử lý các trường hợp gây ô nhiễm.