Nên truyền thông về dịch bệnh như thế nào?

ThienNhien.Net – Đại dịch hay một đợt bùng phát dịch bệnh trên quy mô lớn luôn là tin tức nóng hổi vì bống chốc thiên hạ đổ xô vào tìm kiếm thông tin, vì sự chưa đoán định đựơc dẫn đến thiếu hướng dẫn của ngành y lẫn cơ quan quản lý đối với dịch bệnh, và cũng do cả tâm lý hoang mang của người dân trước dịch bệnh. Giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch là cơ hội đặc biệt để giới báo chí có thể nhảy vào. Tuy nhiên, những bài viết giật gân về một đại dịch có thể thu hút độc giả chưa hẳn đã mang tính khoa học và có ý nghĩa thực sự đối với cộng đồng.


Để viết về các đợt bùng phát dịch một cách có trách nhiệm, nhà báo không những cần nắm bắt thông tin nhanh nhạy mà còn phải theo sát diễn biến tường tận của dịch bệnh trong cả một quá trình.

Để làm được điều này, nhà báo cần có cách tiếp cận khoa học và tư duy phản biện. Kiến thức về khoa học cùng kiến văn sâu sắc về kinh tế xã hội là những yếu tốt nhất thiết phải có cho những bài viết tốt về trận bùng phát dịch bệnh.

Dưới đây là một số lời khuyên của các biên tập viên kỳ cựu đối với cách đưa tin bài về dịch bệnh của giới truyền thông. Những lời khuyên này đặc biệt hữu dụng tại các nước đang phát triển, nơi nguồn thông tin còn khan hiếm, việc tiếp cận các thông tin quan trọng còn khó khăn và những thông điệp về sức khoẻ cộng đồng góp phần quan trọng vào việc giảm gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đã bị quá tải.

Cung cấp kiến thức cơ bản

Trước tiên, một bài viết về các trận bùng phát dịch cần cung cấp cho độc giả định nghĩa chính xác về những thuật ngữ họ sẽ được tiếp cận thường xuyên. Ví dụ “Đại dịch” là khi một căn bệnh lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên không nhất thiết phải nguy hiểm chết người.

Các nhà khoa học thường nói về mối nguy hiểm chết người của các mầm bệnh, song những người dân không có chuyên môn không phải lúc nào cũng có hiểu biết chính xác về dịch bệnh đó. Nhiệm vụ của người đưa tin là mô tả chính xác, dễ hiểu và tránh gây hoang mang.

Các tổ chức y tế có thể cung cấp thông tin, số liệu thực tế về đại dịch và cách thức tốt nhất để phòng chống. Các cơ quan nhà nước có thể cung cấp thông tin về số ca nhiễm bệnh và tử vong trong nước. Nhà báo hãy thuật lại các thông tin trên dựa trên vốn kiến thức khoa học của mình cùng với các phân tích như: Liệu tỉ lệ tử vong của bệnh này có cao hơn các bệnh khác? Liệu loại vi rút gây bệnh là loài mới hay chỉ là một dạng biến thể?…

Cần chú ý gì ở giai đoạn đầu?

Thông thường, phản ứng gần như ngay lập tức của người dân trước một loại bệnh mới là đặt câu hỏi về sự ảnh hưởng có thể của nó tới họ và người thân. Không nhà báo khoa học nào có thể trả lời cặn kẽ câu hỏi này nhưng họ có thể thông tin về những nguy cơ ảnh hưởng của nó.

Trước tiên nhà báo cần nắm được các nghiên cứu gần nhất về những dịch bệnh tương tự, ví dụ như kiến thức về dịch cúm gà H5N1 sẽ có ích khi viết về cúm H1N1 vì các nghiên cứu và cả các nhà nghiên cứu về chúng là khá gần gũi.

Có một số câu hỏi mà nhà báo nên chú ý:

Các nhà khoa học biết những gì?

Ở thời điểm dịch mới bùng phát sẽ có rất nhiều điều chỉ là phán đoán, giả thuyết, tuy nhiên cũng có nhiều thông tin về loại vi rút gây bệnh hoặc các chủng loại tương tự.

Bản chất việc bùng phát dịch bệnh là do một loại mầm bệnh mới hoặc ít nhất là do biến thể của một loại virut đã biết gây ra. Các nhà khoa học không hẳn đã chắc chắn về cách thức mà chúng hoạt động, tuy nhiên, họ có kiến thức sâu rộng về các dịch cúm, chính vì vậy việc bùng phát một dịch cúm mới không phải là một hiện tượng bí ẩn.

Bài viết nên đề cấp đến việc các nhà khoa học có hay không biết về dịch bệnh đó nhưng cố gắng đừng gây hoang mang cho dân chúng. Bởi các nhà khoa học không nhất thiết phải biết hết về tác nhân gây bệnh mới có thể tìm được cách chữa trị và sẽ rất phi thực tế nếu nghĩ rằng các nhà khoa học có thể biết tường tận mọi chi tiết về mọi căn bệnh.

Có bao nhiêu ca nhiễm bệnh? Bao nhiêu người có nguy cơ tử vong?

Khi dịch bệnh bùng phát, các nhà nghiên cứu sẽ dự đoán số người có thể bị nhiễm bệnh hoặc tử vong để giúp hệ thống y tế hoạt động hiệu quả. Giới truyền thông không nên viết về những dự đoán này như một điều chắc chắn để thu hút độc giả bởi tính giật gân của tin tức. Đó là những số liệu được ước đoán dựa trên một số yếu tố và chúng chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định.

Báo giới cũng nên cảnh giác nếu một nhà khoa học nào đó làm xôn xao dư luận khi tuyên bố về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, có thể gây thiệt hại lớn về người, bởi căn bệnh càng nghiêm trọng, họ càng được nhiều tiền đầu tư nghiên cứu. Vì vậy hãy luôn phân tích các yếu tố liên quan tới ước tính về con số tử vong, không nên chỉ tập trung vào con số.

Bên cạnh đó, các nhà báo nên xem xét dịch bệnh trong mối tương quan. Nhiều nhà báo viết về cúm A H1N1 đã thất bại khi so sánh tỷ lệ tử vong của H1N1 với các bệnh khác. Với một dịch cúm mới, người ta thường có xu hướng so sánh nó với những dịch trước kia, đặc biệt là với những đại dịch có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Song hãy nhớ đặt dịch bệnh bùng phát trong bối cảnh của hệ thống y tế và khoa học hiện nay.

Bệnh lây nhiễm ra sao và biện pháp phòng tránh?

Điểm quan trọng mà một bài báo về dịch bệnh phải đưa ra là thông tin về cách thức lây lan và có thể trình bày thêm các kiến giải của một nhà khoa học hoặc nhân viên y tế nếu cách thức truyển nhiễm chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, bài viết cũng cần nêu ra những con đường không thể lây truyền. Một ngành công nghiệp có thể bị tổn thất nặng nề nếu người dân hiểu sai về nguy cơ gây lây nhiễm của một sản phẩm nào đó. Doanh thu của ngành chế biến gia cầm đã sụt giảm nghiêm trọng vào thời điểm cúm H5N1 bùng phát do người dân nghĩ rằng ăn thịt gia cầm có thể bị nhiễm bệnh.

Đồng thời, bài viết có thể cung cấp cho độc giả cách thức đơn giản giúp họ tự bảo vệ bản thân. Ví dụ với HIV, thông điệp nên là quan hệ tình dục an toàn, với dịch cúm là rửa tay sạch.

Viết về những điều không nên cũng không kém phần quan trọng trong việc giúp người đọc định hướng. Ví dụ, chỉ một chút bằng chứng là khẩu trang có thể bảo vệ người dân khỏi dịch cúm, các công ty cũng có thể sử dụng thông tin để quảng cáo cho các sản phẩm có rất ít hoặc hầu như không có tác dụng.

Bài viết nên tránh đưa ra quá nhiều câu chuyện vụn vặt bởi vì khi người dân đã quá ngán ngẩm với những câu chuyện giống nhau mà chẳng có thông tin gì mới, họ có thể sẽ không tiếp cận được những thông báo quan trọng của cơ quan y tế.

Tạo nguồn tin tin cậy

Sử dụng nguồn thông tin phong phú và đáng tin cậy sẽ khiến bài viết của bạn trở nên đặc sắc hơn, đồng thời cũng giúp hạn chế những thông tin không chính xác, dễ gây tranh cãi.

Thiết lập quan hệ với các nhà khoa học sẽ giúp bạn có được những thông tin quan trọng về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, về cách thức và định hướng nghiên cứu. Ở một số nước, chính phủ có thể cố che giấu số ca tử vong, dich SARS ở Trung Quốc là một ví dụ. Vì vậy, cách duy nhất để khám phá ra sự thật là thông qua những cuộc nói chuyện với các nhà khoa học, đặc biệt là những chuyên gia về dịch tễ luôn theo sát sự bùng nổ của các đại dịch.

Thiết lập quan hệ với những nguồn cung cấp thông tin trong chính phủ cũng rất cần thiết dù điều này có thể khó khăn ở những nước đang phát triển.

Nhìn xa trông rộng

Khi dân chúng đã biết hầu hết thông tin về dịch bệnh từ các phương tiện thông tin đại chúng, họ không hề đáng trách nếu cho rằng dịch bệnh đã bị dập tắt khi không thấy các thông tin mới. Trong trường hợp này, truyền thông còn có nhiệm vụ cho người dân biết rằng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tồn tại. Các câu hỏi đề cập ở trên cần được duy trì và cố gắng tìm hiểu xem câu trả lời có thay đổi không khi có thêm thông tin mới.

Khoảng thời gian sau khi đại dịch bùng phát chính là lúc viết những bài bình luận sâu, như đánh giá phản ứng của chính phủ trong việc khống chế dịch bệnh hoặc xem xét cách thức những nghiên cứu về dịch bệnh thúc đẩy khoa học phát triển…Theo dõi những bước tiến trong nghiên cứu các loại thuốc hoặc vắcxin mới chống lại dịch bệnh cũng rất hữu ích.

Truyền thông cần nhìn nhận rằng sự bùng nổ dịch bệnh trên diện rộng không phải chỉ là vấn đề khoa học mà còn là vấn đề kinh tế – xã hội.

Thách thức chính là làm sao để việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan trở thành nhiệm vụ toàn cầu và mỗi địa phương đều phải tham gia vào chiến dịch này. Cảnh báo người dân về nguy cơ bệnh dịch là trách nhiệm quan trọng của truyền thông, tuy nhiên, điều không kém phần quan trọng là đừng khiến họ quá lo lắng và bối rối.