Ngăn chặn Buôn bán ĐVHD – Cần triệt để

ThienNhien.Net – Thực thi pháp luật là một trong những khó khăn và rào cản đối với công tác kiểm soát buôn bán ĐVHD. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ ĐVHD, đồng thời bàn về các phương pháp thực thi pháp luật có hiệu quả.

Mô hình “Ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ ĐVHD”

Việc thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD chỉ được thực hiện khi các cơ quan chức năng nhận được thông tin về các hành vi vi phạm. Thông tin này được cung cấp từ nhiều nguồn như từ công chúng, các cán bộ kiểm lâm cơ động phát hiện khi đi tuần tra, hoặc từ các nguồn khác.

Thông thường, các biện pháp thực thi pháp luật đối với hành vi tiêu thụ ĐVHD là rất khác khau khi xử lý từng hành vi vi phạm cụ thể hay thực hiện các chiến dịch hoặc các cuộc điều tra, khảo sát ngắn hạn.

 
Cá thể mèo rừng nuôi nhốt tại một nhà hàng ở tỉnh Hà Tây. Ngay sau khi bức ảnh được chụp, đội Kiểm lâm Đặc nhiệm trực thuộc Cục kiểm lâm phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa phương kiểm tra nhà hàng và tịch thu cá thể mèo rừng.

Những nỗ lực trong vấn đề bảo vệ ĐVHD của các cơ quan chức năng còn thiếu tính chiến lược và bền vững, do vậy chưa thực sự chấm dứt một cách triệt để các hành vi vi phạm.

Tình trạng này chỉ được cải thiện khi chúng ta thay đổi cách suy nghĩ và phương pháp làm việc hiện nay.

Việc chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ ĐVHD đòi hỏi một quá trình gồm nhiều bước mà thực tế đã mang lại kết quả tích cực. Trước hết, cần thực hiện chương trình khảo sát thực tế các địa điểm vi phạm để xác định các hành vi vi phạm, từ đó quyết định biện pháp xử lý đối với từng hành vi cụ thể. Mục đích lớn nhất của biện pháp này là nhằm chấm dứt hành vi trái phép trong phạm vi quyền hạn, chức năng của mình.

Bước 1: Điều tra sơ bộ

Trong bước này, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành khảo sát các nhà hàng, các chợ và các cửa hiệu trên địa bàn để điều tra các hành vi vi phạm. Sau đó, dựa vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để có các biện pháp xử lý phù hợp như cảnh cáo, phạt hành chính hay thậm chí trong một số trường hợp có thế truy tố. Nếu phát hiện thấy ĐVHD sống đang được bày bán hay nuôi nhốt trái phép cần phải tịch thu ngay.

Bước 2: Nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở kinh doanh

Trừ trường hợp các vi phạm mang tính chất nghiêm trọng hoặc trường hợp phát hiện thấy ĐVHD sống đang bày bán, tàng trữ, trong hầu hết các lần kiểm tra, khảo sát, các cơ quan chức năng có thể cảnh cáo hoặc nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở kinh doanh về hành vi vi phạm và mức độ vi phạm. Bước này chỉ nên áp dụng đối với các vi phạm nhỏ.

Các cơ quan chức năng cũng có thể cung cấp cho chủ cơ sở kinh doanh các văn bản pháp luật trong đó nhấn mạnh điều khoản quy định về hành vi vi phạm.

Trong nhiều trường hợp, chủ cơ sở kinh doanh sẽ tình nguyện tuân thủ pháp luật, chấm dứt hành vi vi phạm sau khi đã được nâng cao nhận thức, đặc biệt nếu họ tin rằngcác cơ quan chức năng thực thi pháp luật một cách nghiêm minh.

Trong tất cả các trường hợp, khi tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, thông tin cần được lưu trữ một cách cẩn thận, chính xác, bao gồm những thông tin có liên quan như hành vi vi phạm được phát hiện như thế nào, vụ việc được xử lý ra sao. Việc lưu trữ thông tin này có thể rất hữu ích cho các vụ việc nghiêm trọng mà đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc sẽ là cơ sở để xác định khung hình phạt cho chủ cơ sở tái phạm. Việc lưu trữ thông tin còn cho phép các cơ quan chức năng đánh giá hiệu quả của các hình thức xử phạt và đánh giá công tác xử lý.

Bước 3: Kiểm tra, khảo sát sau khi xử lý

Tiếp theo cuộc điều tra, khảo sát sơ bộ, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát lại các cơ sở kinh doanh đã được xử lý vi phạm sau một khoảng thời gian hợp lý.

 

Khảo sát lần 2 này nên được thực hiện hàng tháng. Kết quả này sẽ cho phép xác định được cơ sở kinh doanh có tái phạm hay không sau khi đã được khuyến cáo và nâng cao nhận thức.

Bước 4: Xử lý các đối tượng tái vi phạm

Dựa trên kết quả khảo sát lần 2, các cơ quan chức năng nên có biện pháp xử lý nặng hơn đối với các đối tượng tái phạm. Giả thiết rằng nếu các chủ cơ sở kinh doanh không thực hiện khuyến cáo hoặc cam kết về việc không tái phạm, các đối tượng này cũng nên bị trừng phạt về hành vi vi phạm của mình. Bởi vì, mục tiêu lớn nhất ở đây là ngăn chặn các cơ sở kinh doanh vi phạm pháp luật!

Bước 5: Thường xuyên khảo sát và kiểm tra hiện trường

Sau mỗi lần kiểm tra và xử lý, số lượng người vi phạm sẽ giảm đi một khi các chủ nhà hàng, khách sạn nhận thấy rằng các cơ quan chức năng xử lý rất nghiêm các vụ liên quan tới việc buôn bán trái phép ĐVHD. Mặc dù kiểm tra và khảo sát hiện trường phải thực hiện thường xuyên, nhưng đối với các cơ sở kinh doanh được ghi nhận đã tuân thủ pháp luật, mật độ kiểm tra có thể giảm xuống.

Tuy nhiên, ở bước này các cơ quan thực thi pháp luật thường thiếu kiên quyết. Nếu các cán bộ thực thi pháp luật không tiếp tục kiểm tra cơ sở kinh doanh thường xuyên, khả năng các nhà hàng phục vụ ĐVHD sẽ tái phạm là rất cao, nhất là khi họ cho rằng không còn áp lực từ phía cơ quan chức năng nữa. Vì vậy, việc kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh đã có hành vi vi phạm đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống nạn buôn bán, tiêu thụ ĐVHD.

Đối với các chủ nhà hàng tiếp tục kinh doanh ĐVHD, cố tình không tuân thủ luật pháp, cần áp dụng mức phạt hành chính caohơn hay những hình thức xử phạt mạnh hơn. Tại một số tỉnh, các cơ quan chức năng đã tịch thu giấy phép kinh doanh, thực đơn, biển hiệu và áp dụng hình phạt thích đáng đối với những đối tượng vi phạm ngoan cố. Tuy nhiên, trong hầu hết các vụ việc, chỉ cần một lần cảnh cáo và một vài lần kiểm tra sau đó cũng đủ để đảm bảo các đối tượng viphạm tuân thủ luật pháp.

Ví dụ điển hình: Kiểm tra thường xuyên mang lại thành công tại chợ Đồng Xuân

Các nỗ lực đóng cửa các quầy hàng buôn bán ĐVHD tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội là một ví dụ điển hình về hiệu quả của việc tiến hành khảo sát. Bước xử lý đầu tiên là triệu tập các chủ hộ kinh doanh vật cảnh trong chợ, nâng cao nhận thức cho họ về pháp luật bảo vệ ĐVHD và sự cần thiết phải chấm dứt việc kinh doanh ĐVHD. Tất cả các chủ hộ kinh doanh đều đồng ý chấm dứt kinh doanh ĐVHD. Trong vòng một tuần đầu, kết quả kiểm tra cho thấy chỉ có một vài hộ nghiêm túc tuân thủ cam kết của cuộc họp nâng cao nhận thức, còn một số hộ vẫn tiếp tục bày bán ĐVHD công khai.

Các đơn vị liên tục kiểm tra các hộ kinh doanh, tịch thu ĐVHD, khuyến cáo chủ hộ về hành vi vi phạm cho đến khi họ nhận thức được rằng các cơ quan chức năng hoàn toàn nghiêm túc trong việc chấm dứt hoạt động kinh doanh ĐVHD trái phép. Kết quả kiểm tra cho thấy không còn ĐVHD nào bị bày bán trong chợ Đồng Xuân trong tám tháng. Tuy nhiên, hàng tuần các cán bộ điều tra vẫn tiếp tục kiểm tra, giám sát để đảm báo các chủ hộ không tái phạm.

Không phải là quá nhiều công việc!

Một số người cho rằng để tiến hành từng bước theo phương pháp này cần phải làm rất nhiều công việc liên quan và do đó sẽ không đủ thời gian và nhân lực. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi tháng chỉ cần dành ra vài ngày để tiến hành điều tra sơ bộ. Sau khi kết thúc cuộc khảo sát sơ bộ đầu tiên, một danh sách các đối tượng vi phạm sẽ được lập, và từ đó trở đi, mỗi tháng chỉ cần mất một vài ngày để kiểm tra các địa điểm trong danh sách. Nếu có những vụ mới do nguồn tin từ công chúng, địa điểm đó sẽ được bổ sung vào danh sách để kiểm tra thường xuyên. Tất cả các công việc như trên đều hoàn toàn nằm trong thẩm quyền và năng lực của các cơ quan chức năng cấp quận, huyện.

Chìa khoá của sự thành công

Chìa khoá của sự thành công chính là sự kết hợp giữa phương pháp kiểm tra thường xuyên với các hình thức xử phạt ngày càng mạnh cho đến khi cơ sở kinh doanh chấp hành pháp luật, sau đó các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục kiểm tra để đảm bảo cơ sở này không tái phạm.

Các nỗ lực thực thi pháp luật phải được tiến hành một cách đều đặn và thống nhất nhằm chấm dứt các hành vi vi phạm. Công chúng tin rằng hầu hết các nỗ lực thi hành pháp luật chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và sau khi “cơn bão qua đi”, việc kinh doanh có thể trở lại hoạt động bình thường. Là những nhà thực thi pháp luật, chúng ta cần phải thay đổi quan điểm này. Thông qua việc kiểm tra đều đặn và biện pháp thực thi pháp luật phù hợp đối với mỗi hành vi vi phạm, các chủ cơ sở kinh doanh sẽ thấm nhuần thông điệp về bảo vệ ĐVHD. Từ 6 đến 8 tháng kể từ khi bắt đầu thực thi chiến dịch, bạn sẽ thấy nỗ lực và sự nhất quán về thực thi pháp luật sẽ được đền đáp, và hầu hết các cơ sở kinh doanh sẽ chấp hành pháp luật.