Sốt xuất huyết diễn biến khác thường

Hôm qua 11/07, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình thông báo tính đến thời điểm này, đã có trên 29.000 ca sốt xuất huyết trên toàn quốc, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2006. Dịch sốt xuất huyết đã bước vào thời kỳ bùng phát mạnh mẽ.

Nhiều chuyên gia đánh giá nếu không cố gắng phòng chống, dịch sốt xuất huyết năm nay có thể mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Một trong những lý do dẫn đến đánh giá này là mật độ muỗi, lăng quăng tại các vùng trọng điểm dịch như đồng bằng sông Cửu Long rất cao. Một lý do nữa dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch là sự thay đổi type virus. Từ 1999-2006, type virus gây sốt xuất huyết chủ yếu là D3 (Dengue 3) và D2, nhưng từ đầu năm 2007 đến nay kết quả giám sát huyết thanh cho thấy 58% người mắc bệnh do virus type D1, số còn lại là do cả ba type D1, D2 và D3.
TP.HCM: nguy cơ lan rộng
Bác sĩ Lê Thị Bích Liên – trưởng khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) – cho biết ngày 11/07 tại khoa đang điều trị 86 ca sốt xuất huyết. Trong đó có 60% là bệnh nhi từ các tỉnh chuyển đến, 40% là của TP.HCM. Trung bình mỗi ngày khoa sốt xuất huyết tiếp nhận 20 ca nhập viện, năm nay số ca sốt xuất huyết nặng nhiều hơn năm trước.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số ca sốt xuất huyết nhập viện sáu tháng đầu năm 2007 đã gần bằng số ca mắc của cả năm 2006. Hiện nay mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình 15-20 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện, trong đó 70% bệnh nhân ở TP.HCM và 30% ở tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM – đánh giá sốt xuất huyết đang gia tăng ở TP.HCM và có nguy cơ lan rộng nếu các địa phương, ban ngành không quyết liệt phối hợp đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch cùng với ngành y tế. Từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM đã xảy ra 2.000 ca sốt xuất huyết, với hai ca tử vong, mỗi tuần có hơn 150 ca nhập viện ở các bệnh viện.
Theo TS Trần Tịnh Hiền – phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, qua thực tế ở các địa phương cho thấy bệnh sốt xuất huyết ở người lớn năm nay diễn biến khác thường hơn mọi năm. Sự khác thường này có thể là do thay đổi type virus từ D2 sang D1. Sự khác thường thể hiện có nhiều ca (ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Qui Nhơn) bị xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, phải truyền 20-30 đơn vị máu nhưng vẫn không qua khỏi; thứ hai (tuy chưa có thời gian điều tra xác định chính xác) là sốt xuất huyết gây biến chứng viêm cơ tim, trên thực tế đã ghi nhận bốn ca sốt xuất huyết ở Bạc Liêu bị viêm cơ tim (thế giới cũng đã ghi nhận sốt xuất huyết gây biến chứng viêm cơ tim nhưng rất hiếm); thứ ba là bệnh nhân bị vỡ hồng cầu trong mạch máu, biểu hiện qua tiểu ra máu, nước tiểu đen (một ca ở Long An), lâu nay không thấy nhưng lại xuất hiện trong mùa dịch năm nay; thứ tư là gan bị tổn thương nhiều.
TS Trần Ngọc Hữu – viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM – cho hay năm nay do thời tiết diễn biến thất thường, mưa hơi sớm nên muỗi phát triển nhanh hơn, nhiều hơn. Vấn đề thay đổi type virus từ D2 sang D1 cũng làm nguy cơ mắc bệnh của người dân tăng lên do miễn dịch trong người không có dẫn đến số ca mắc sốt xuất huyết sẽ nhiều hơn.
ĐBSCL: tiếp tục phức tạp

3.000
Đó là số người mắc sốt xuất huyết mỗi tuần trên cả nước hiện nay. So với cùng kỳ năm 2006, số người mắc sốt xuất huyết mới mỗi tuần tăng hơn 1.000 người.

Trong những ngày qua, diễn biến sốt xuất huyết tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phức tạp. Ở Đồng Tháp – địa phương được xem là “điểm nóng” của dịch sốt xuất huyết với số người dẫn đầu khu vực, số ca sốt xuất huyết vẫn liên tục gia tăng, tuần qua có hơn 400 bệnh nhân phải nhập viện, nâng số ca mắc đến nay lên hơn 4.400. Tại Kiên Giang, tính đến chiều qua 11/07, ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng Kiên Giang cho thấy trên địa bàn tỉnh đã có hơn 3.100 ca sốt xuất huyết. Trong khi đó, Sóc Trăng cũng đang là “điểm nóng” của dịch sốt xuất huyết bởi từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có đến 2.790 ca, tăng 23,5% so với năm ngoái và đã có một trường hợp tử vong. Hiện mỗi tuần có khoảng 300 ca nhập viện làm nhiều bệnh viện quá tải trầm trọng.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang, hiện toàn tỉnh đã có hơn 4.400 người mắc bệnh sốt xuất huyết, có bốn trẻ tử vong. Hiện nay dịch sốt xuất huyết đang diễn biến khá phức tạp tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Gò Công Đông – nơi hiếm khi xảy ra dịch lớn. Trong ngày 11/07, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng và Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã đến kiểm tra tình hình và hỗ trợ huyện Gò Công Đông dập dịch và củng cố công tác điều trị.
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa yêu cầu Bộ Y tế chủ động phối hợp với các cơ quan và địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại công điện số 867 nhằm giảm xuống mức thấp nhất số người mắc và tử vong do sốt xuất huyết. Theo ông Nguyễn Huy Nga, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tuần trước Bộ Y tế đã tổ chức một cuộc họp với đại diện 20 tỉnh, thành có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất nước, nhằm tìm biện pháp chống dịch hiệu quả. Ông Nga cho biết ngay sau đó một số địa phương đã chỉ thị nếu lãnh đạo huyện, xã nào trong tỉnh để dịch sốt xuất huyết dai dẳng sẽ bị kỷ luật nghiêm!