Sạt, lở đất ở Việt Nam – Bài 1: Thực trạng và thách thức

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bão, lượng mưa trung bình năm cao, địa hình chủ yếu là vùng núi, hoạt động kiến tạo cổ tạo ra các đứt gãy có quy luật theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.

Hoạt động sụt, trượt đất đá trên các tuyến đường thuộc mức trung bình cao so với thế giới. Vậy thực trạng sạt, lở đất ở Việt Nam hiện nay ra sao? Việc ứng dụng công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ từ các nước tiên tiến như thế nào? Giải pháp nào nhằm ứng phó và giảm thiểu sạt, lở đất ở Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Bài 1: Thực trạng và thách thức

Theo Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2000- 2015, cả nước xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 779 người, bị thương 426 người, thiệt hại kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Nguy cơ sạt lở vẫn tăng đều

Hiện trường một vụ sạt lở tại km74 + 400 trên Quốc lộ 279D, đoạn xã Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Ngày 24/6/2018, lũ quét và sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại Hà Giang, Lai Châu và một số tỉnh miền núi phía Bắc làm 33 người chết và mất tích; 176 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi; 1.270 nhà bị hỏng và di dời khẩn cấp; thiệt hại hơn 1.000 ha lúa; nhiều tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ bị sạt lở nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ước tính đến ngày 2/7/2018 khoảng 535 tỷ đồng.

Triển khai đề án phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá các vùng miền núi, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận 10.266 điểm đang có nguy cơ sạt lở đất tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó 2.110 điểm nguy cơ có khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn.

Theo Tiến sỹ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, trong những năm gần đây, các loại hình thiên tai như trượt, lở đất đá, lũ quét xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Hòa Bình, Thanh Hóa và một số địa phương khác gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Nguyên nhân gây sạt, trượt ở Việt Nam, chủ yếu là do các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài xảy ra ngày càng nhiều, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa…

Đồng thời, việc thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt, lở đất đá, lũ ống, lũ quét phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng.

Bên cạnh đó còn  một số nguyên nhân khác như: các khu vực có địa hình phân cắt mạnh, bề mặt địa hình dốc; lớp vỏ phong hóa dày, nhanh ngấm nước, dễ bị nước mưa làm cho bão hòa, giảm độ ổn định sườn dốc; rừng tự nhiên, rừng phòng hộ còn rất ít khiến lớp phủ thực vật mỏng; mưa kéo dài hoặc mưa cục bộ với cường độ lớn trong mùa mưa bão.

Cần có chính sách triển khai bám sát

Tại nhiều diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương căn cứ số liệu quan trắc để báo động sạt lở cho người dân. Tuy vậy, từ thu thập thông tin đến báo động là cả một vấn đề, nếu phản hồi báo lên nhưng không ai xử lý thì cũng không có ý nghĩa.

Trong khi đó, đầu tư hệ thống quan trắc cảnh báo lũ, bùn, đá (hệ thống độ mưa, camera, độ sóng âm, đo độ ẩm, trạm quan trắc lũ, bùn đá, cảm biến dây, đo mực nước …) rất tốn kém.

Đút rút kinh nghiệm từ các nước nhỏ như Thuỵ Điển chỉ dự báo sạt lở ở những vùng quan trọng bằng hệ thống tự động. Hệ thống này trị giá  khoảng 200-300 triệu đô la Mỹ nhằm thông báo về độ ẩm, nguy cơ sạt – trượt, tốc độ ôtô hợp lý khi đường ướt… Còn Nhật Bản có sử dụng hệ thống quan trắc từ máy bay và vệ tinh, giúp thống kê các điểm cảnh báo, kết nối với vệ tinh và gửi về trung tâm.

Để chống sạt, trượt hiệu quả, Tiến sỹ Đinh Văn Tiến, Viện Khoa học và Công nghệ Giao Thông vận tải cho rằng, cần cái nhìn tổng quan ở tầm vĩ mô, áp dụng các công cụ hữu hiệu để quản lý gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu các vùng nguy cơ; xây dựng hệ thống quan trắc tại các địa phương; lập 4 loại bản đồ cơ bản (nhận dạng trượt đất, đánh giá khu vực nhạy cảm, đánh giá rủi ro các điểm từng trượt lở; khu vực ảnh hưởng khi trượt đất).

Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu, khảo sát địa chất, nguy cơ sạt lở đất, lập bản đồ phân vùng… Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Mạnh, Đại học Giao thông Vận tải, mảng sạt, trượt chưa được quan tâm đúng mức, trong đó ngoài vấn đề kinh phí, việc nhiều nhà quản lý chưa thực sự quan tâm là một nguyên nhân.

“Chính vì thế nên mỗi mùa mưa bão, nhiều khu vực luôn trong tình trạng “cảnh báo đỏ”. Cụ thể, ở thị trấn Xín Mần (Hà Giang), các khối trượt đã hình thành và cả thị trấn nằm trên khối trượt này.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ nguy cơ nhưng địa phương chưa có tiền để xử lý dù Chính phủ đã đưa ra định hướng rất rõ với dạng thiên tai này là xây dựng kế hoạch phòng tránh – phản ứng – giảm thiểu, nhưng việc triển khai xuống đến địa phương chưa hiệu quả.” ông Mạnh cho biết.

“Hiện chúng ta mới chỉ giải quyết từng điểm, thường là gắn liền với một công trình cụ thể (như tòa nhà, công trình giao thông nào đó…) hoặc chỉ giải quyết sự cố đã xảy ra chứ không hướng tới việc xử lý bền vững cho cả một khu dân cư, một vùng.

Do vậy, cần xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó phù hợp, chấp nhận đầu tư kinh phí lớn; đồng thời, cân nhắc giữa việc bỏ kinh phí để phòng, chống với việc đi khắc phục hậu quả, phương án nào có lợi về kinh tế, xã hội.” Tiến sỹ Tiến nhấn mạnh.