Phát hiện quần thể voọc chà vá chân xám

Ngày 03/07/2007, có ít nhất 116 con voọc chà vá chân xám được các nhà khoa học của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) phát hiện tại Quảng Nam. Đây là một quần thể voọc chà vá chân xám lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện tại Việt Nam.

Có ít nhất 116 con voọc chà vá chân xám được tìm thấy, tuy nhiên các nhà khoa học ước tính số lượng của quần thể sẽ còn nhiều hơn.“Rất hiếm khi phát hiện một quần thể với số lượng cá thể nhiều như vậy ở trong một khu vực nhỏ, đặc biệt là đối với một loài đang trên bờ tuyệt chủng như loài vọoc này”, ông Barney Long, Điều phối viên Chương trình Bảo tồn Cảnh quan Trung Trường Sơn của WWF Greater Mekong tại Việt Nam phát biểu.

Nhà sinh vật học Ben Rawson, chuyên nghiên cứu về các loài động thực vật hoang dã của CI, phát biểu: “Nếu đặt trong hoàn cảnh của cuộc sống con người thì phát hiện này có thể ví như việc tìm thấy một đất nước mới với dân số hơn 1 tỉ người”.
Theo các nhà khoa học, chỉ chưa đến 1.000 cá thể loài này còn sống sót, và từ trước đến nay mới chỉ tìm thấy một quần thể có hơn 100 cá thể.
Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) là một trong 25 loài linh trưởng đang bị nguy cấp nhất trên thế giới. Đây là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, chỉ có tại năm tỉnh tại miền Trung Việt Nam là Quảng Nam, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai.
Nhóm khảo sát của WWF lần đầu tiên phát hiện ra quần thể mới vào tháng 08/2005. Hai cuộc hợp tác khảo sát gần đây đã khẳng định khu vực này có quần thể rất lớn.
Trong bản đánh giá năm 2006 của IUCN, 65 % loài linh trưởng của Việt Nam đang ở trong tình trạng Nguy cấp hoặc Cực kỳ nguy cấp, vì vậy Việt Nam đang là một trong những nước được ưu tiên cao nhất trên toàn cầu về bảo tồn linh trưởng.