Nữ tuần rừng ở thôn người Dao

Tưởng chừng công việc tuần tra, bảo vệ rừng chỉ dành cho nam giới, nhưng ở thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành (huyện Bát Xát) vẫn có một nữ tổ viên ngày đêm âm thầm góp sức giữ màu xanh của đại ngàn.

Tưởng chừng công việc tuần tra, bảo vệ rừng chỉ dành cho nam giới, nhưng ở thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành (huyện Bát Xát) vẫn có một nữ tổ viên ngày đêm âm thầm góp sức giữ màu xanh của đại ngàn.

Dáng người nhỏ nhắn, bước chân nhanh nhẹn, nói về rừng, đôi mắt chị sáng lên như tâm tình về điều gắn bó, thân quý của mình, đó là cảm nhận của chúng tôi khi gặp chị Mẩy.

Ranh giới giữa rừng với nhà ở và nương sản xuất của người dân rất khó phân định, nhưng điều khác lạ là khu rừng vẫn nguyên vẹn từ cây cổ thụ, thuộc nhiều loại gỗ quý, hàng trăm tuổi tỏa bóng sum suê đến từng dây leo, cây thuốc và thảm thực vật đa dạng dưới mặt đất.

Chia sẻ về những kỷ niệm, khó khăn và hơn hết là tình yêu đối với công việc mà mình đang làm, chị Mẩy kể: Những chuyến tuần rừng của chị thường kéo dài 1 – 2 ngày, mỗi ngày phải di chuyển vài chục km đường rừng, mọi sinh hoạt đều ở trong rừng. Là phụ nữ, những ngày đầu cũng thấy e ngại, nhưng tình yêu rừng giúp mình vượt qua để thích nghi với hoàn cảnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nói về mối duyên với nghề tuần rừng, chị Mẩy kể: Ngày còn nhỏ, tôi thường nghe ông và bố kể về việc trước kia, dân trong thôn “đổ xô” vào rừng chặt cây, lấy củi để dùng hoặc để bán. Khi đó, nước sản xuất không nhiều như bây giờ, cây lúa, cây ngô trồng xuống năm được thu, năm mất mùa. Nước sinh hoạt cũng ít lắm, người dân phải vào khe núi lấy nước. Sau này, được cán bộ xã, rồi cán bộ kiểm lâm tuyên truyền nhiều về lợi ích của việc giữ rừng là bảo vệ chính nguồn nước và môi trường sống nên người dân trong thôn không còn chặt cây rừng. Có rừng thì có nước để sinh hoạt, sản xuất, không lo xói mòn đất như trước nữa.

Bố tôi cũng là một trong những người đợt đầu “ghi danh” vào tổ xung kích bảo vệ rừng của thôn khi ấy. Ngày đó, người tham gia tổ bảo vệ rừng bằng nhiệt huyết chứ không hề có khoản hỗ trợ nào, nhưng tôi thấy bố và mọi người trong thôn vẫn tích cực đi tuần rừng. Những ngày trời hanh khô, hay mùa đông giá rét, hễ có dấu hiệu lạ là mọi người lại “khăn gói” vào rừng. Nhiều lần được theo bố đi rừng, thấy ông tỉ mỉ thăm nom từng cây trong rừng, rồi nâng niu, chăm sóc những cây bị gió lay đổ, cẩn thận cứu chữa những cây bị sâu bệnh, tôi cảm nhận bố yêu cây rừng như chính con của mình vậy. Vì thế, tình yêu với rừng cứ lớn dần lên trong tôi, thôi thúc tôi gắn bó với rừng.

Theo chị Mẩy, đối với việc tuần rừng, sợ nhất là phải đi rừng vào mùa đông, những ngày trời mưa. Khí hậu ở Tòng Sành không khác nhiều so với thị xã Sa Pa nên mùa đông ở đây nhiệt độ có thể xuống tới 0 độ C, thậm chí có băng, tuyết. Thời điểm rét, đối tượng xấu thường lợi dụng để vào rừng chặt cây, săn bắt động vật, vì vậy, công tác bảo vệ rừng càng áp lực hơn. Mỗi khi trời mưa, nhiệt độ trong rừng xuống thấp, trời tối nhanh hơn và muỗi, vắt cũng nhiều hơn so với ngày thường. Kinh nghiệm mặc nhiều áo sẽ giữ ấm tốt hơn mặc áo dày, thêm nữa là mặc quần áo mưa, đeo ủng cao để tránh muỗi, vắt tấn công và mang theo bình tông nước gừng để giữ ấm cơ thể.

Không những vậy, việc nắm thời tiết rất quan trọng. Là người Dao đỏ, từ nhỏ, được ông và bố truyền kinh nghiệm đi rừng nên chị Mẩy tránh được mưa lũ những khi tuần rừng. Chị nhớ, có lần gặp mưa to, đường trơn, nghe thấy tiếng đá bên trên đổ xuống, chị cùng các thành viên trong tổ cố bám vào cành cây, đu mình né sang hướng khác và may mắn tránh được. Nếu không nhanh trí thì đá từ trên vách núi có thể lăn xuống và đè vào người bất cứ lúc nào.

Đàn ông đi rừng đã vất vả, phụ nữ đi rừng càng cực nhọc hơn, nhất là việc phải vượt qua vách đá cao để sang những ngọn núi. Đôi khi thấy cũng vất vả, nhưng với phụ nữ dân tộc Dao từ nhỏ đã vượt qua bao con suối, vượt bao cánh rừng để mưu sinh thì việc giữ rừng khổ mấy cũng có thể chịu được.

Thôn Chu Cang Hồ có hơn 85 ha rừng phòng hộ. Đây là khu rừng tự nhiên phòng hộ với nhiều hệ động – thực vật phong phú. Tổ bảo vệ rừng thôn với 10 thành viên được chia thành 2 nhóm luân phiên tuần tra rừng. Theo kế hoạch, mỗi nhóm đi tuần 4 buổi/tháng, khi có việc đột xuất sẽ đi tuần cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn.

Dưới tán rừng của thôn có nhiều loài thuốc quý, chị Mẩy và các thành viên trong tổ còn thực hiện nhân giống, trồng, bảo tồn các cây dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng; kết hợp thu hái thuốc, vừa để chữa bệnh thông thường như đau bụng, đau lưng, bồi bổ sức khỏe, vừa bán ra thị trường. Không chỉ bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, Tổ bảo vệ rừng thôn Chu Cang Hồ còn có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây dược liệu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thái, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát (phụ trách xã Tòng Sành) cho biết: Chị Lò Lở Mẩy là tổ viên nữ tuần rừng duy nhất của xã, luôn có trách nhiệm trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tình yêu rừng của chị đã góp phần bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng nơi đây.

“Chị Lò Lở Mẩy là đảng viên gương mẫu, người có uy tín tại địa phương. Thời gian qua, chị cùng với Tổ bảo vệ rừng thôn Chu Cang Hồ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, diện tích rừng được quản lý, bảo vệ chặt chẽ. Không chỉ làm tròn trách nhiệm của tổ viên Tổ bảo vệ rừng, chị còn tích cực tuyên truyền, lan tỏa tình yêu rừng đến người dân trong thôn, xã”- ông Chảo Hùng Phẩy, Chủ tịch UBND xã Tòng Sành cho biết.

Trả ơn người, những cánh rừng xanh bạt ngàn, không chỉ chở che, bảo vệ thôn, bản khỏi lũ ống, lũ quét mà còn cho dân trong thôn nguồn nước dồi dào để cấy lúa, trồng ngô. Dưới những tán rừng xanh, bà con còn trồng và thu hái cây thuốc. Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ rừng chứ… Câu nói ấy của chị Lò Lở Mẩy càng cho chúng tôi nhận thấy tình yêu rừng, tâm huyết giữ rừng của nữ tuần rừng ở thôn người Dao.