Những vùng hoang dã sẽ biến mất

Con người đã "khai hóa" trái đất đến mức chỉ còn rất ít những nơi chưa từng được con người chạm tới. Đó là cảnh báo mà các nhà khoa học đưa ra trong một bài nhận định xuất bản trên tạp chí Khoa học.

Trái đất đã bị khai hóa đến mức việc bảo tồn nên thay đổi mục tiêu từ chỗ bảo vệ tự nhiên sang bảo vệ con người để hiểu tốt hơn và quản lý tốt hơn thế giới đã bị khai hóa.
“Chẳng có thứ gì là tự nhiên mà còn nguyên vẹn, chưa bị con người sờ tới”, Peter Kareiva, tác giả bài báo và là nhà khoa học đứng đầu tại Trung tâm bảo tồn tự nhiên Mỹ cho biết. “Đối mặt với sự thật này, các nhà khoa học nên thay đổi tiêu điểm của mình với ngành khoa học môi trường”.
Tính đến năm 1995, chỉ còn 17% diện tích đất trên thế giới vẫn còn trong tình trạng thực sự hoang dã, không bị ảnh hưởng bởi dân số con người, mùa màng, đường xá hay ánh đèn đêm của vệ tinh phát hiện ra.
Một nửa bề mặt thế giới được sử dụng cho việc trồng trọt và chăn nuôi; hơn một nửa số rừng đã bị chuyển đổi thành đất; những loài thú lớn nhất trên mặt đất ở một số châu lục đã bị tuyệt chủng; những tàu thuyền qua lại trên khắp các đại dương.
Ở châu Âu, 22.000 km bờ biển đã bị kè, lát.
Do việc xây đập lấn biển, lượng nước được giữ trong những hồ nhân tạo trên toàn cầu nhiều gấp gần 6 lần lượng nước chảy tự do.
Bên ngoài những dấu hiệu hiển nhiên về sự ảnh hưởng của con người, còn nhiều những thay đổi không dễ phát hiện khác hiện diện ở khắp mọi nơi.
Bộ sưu tập tự nhiên đã được thay thế bằng bộ sưu tập của con người, điều này có nghĩa là những loài cụ thể, như là những vật nuôi – thì “lên ngôi”, trong khi những loài khác, như là cá hồi thì bị “truy quét” đến tận cùng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của con người.
Ở quốc gia châu Phi Namibia, việc đánh bắt cá quá mức đã cho phép những loài sứa lớn sinh sôi nảy nở. Trước những năm 1970, ngư dân hiếm khi đánh bắt những loài sứa lớn ở vùng sinh thái Benguela nằm ở vùng biển phía nam của Namibia. Còn hiện nay, lượng sứa bị đánh bắt nhiều gấp hơn 3 lần lượng cá thương mại bị đánh bắt ở khu vực này.
Hệ sinh thái biến đổi đã khiến các loài trở nên dễ bị tổn thương và ít có khả năng phục hồi, ông Kareiva nói.
Việc bảo vệ tự nhiên thông qua các công viên quốc gia chỉ mới du nhập vào những vùng này. Nhiệm vụ của tổ chức bảo tồn tự nhiên là bảo vệ những vùng đất riêng tư.
Ví dụ, công viên Fuji-Hakone-Izu ở Nhật, một trong những công viên nổi tiếng nhất thế giới, có hơn 100 triệu lượt khách tới tham quan mỗi năm và trong đó có cả spa, khách sạn, sân gôn và đường xe điện.
Sự bùng nổ giao thông tại những khu vực được bảo vệ trên thế giới đã biến đổi những vùng này mãi mãi, đưa vào những loài không thuần chủng, sự ô nhiễm không khí và bụi.
“Trong thế giới hiện đại, những vùng hoang dã là những vùng được con người quản lý và quy định hơn là một hệ thống thực sự không có dấu ấn của con người”, Kareiva viết. Xu hướng này sẽ tăng lên cùng với sự tăng trưởng dân số toàn cầu, ông nói.
Với những kết luận này, các nhà bảo tồn học cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng hơn sự phi thương mại trong các vùng sinh thái, “có vậy, thế giới tự nhiên và con người mới đồng thời thịnh vượng”, tác giả kết luận.