Phóng vệ tinh đầu tiên phục vụ chương trình phát triển bền vững LHQ

Vệ tinh SDGSAT-1 do Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc phát triển, được phóng đi từ một trung tâm phóng vệ tinh ở tỉnh Sơn Tây của nước này, nhằm phục vụ chương trình phát triển bền vững của LHQ.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 6 mang theo vệ tinh SDGSAT-1, được phóng đi từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên của Trung Quốc, ngày 5/11/2021. (Nguồn: news.cgtn.com)

Ngày 5/11, Trung Quốc đã phóng vệ tinh nghiên cứu khoa học Trái Đất SDGSAT-1, mang tên Quảng Mục vào không gian bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 6 vào lúc 10h09 (giờ Bắc Kinh) từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc.

Vệ tinh đã đi vào quỹ đạo như kế hoạch. Trung tâm phóng vệ tinh cho biết đây là nhiệm vụ bay thứ 395 của dòng tên lửa đẩy Trường Chinh.

Vệ tinh SDGSAT-1 do Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc phát triển và là vệ tinh khoa học vũ trụ đầu tiên trên thế giới phục vụ Chương trình phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.

Vệ tinh có 3 thiết bị quang học có thể cung cấp dữ liệu quan sát vũ trụ để theo dõi, đánh giá và nghiên cứu tương tác giữa con người và thiên nhiên và phát triển bền vững./.