CITES hạn chế buôn bán một số loài động, thực vật quý hiếm

Kết thúc hội nghị kéo dài hai tuần ở La Hay (Hà Lan), ngày 15/6, Tổ chức Công ước quốc tế về cấm buôn bán các loài động vật hoang dã quý hiếm (CITES) đã thông qua thoả thuận hạn chế buôn bán quốc tế đối với một số loài động vật, nhằm ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của những loài này do bị săn bắn quá mức cho phép.

Theo thoả thuận, những loài được bảo vệ nằm trong danh sách hạn chế buôn bán có các loài voi châu Phi, hổ châu Á, cá đao răng nhọn, cá chình ở châu Âu, cá tầm, tê giác. Hội nghị đã quyết định gia hạn lệnh cấm xuất khẩu ngà voi từ năm 1989 thêm 9 năm nữa.
 
Ngoài ra, CITES cũng nhất trí hạn chế buôn bán trên toàn cầu gỗ cây vang thường được dùng để làm đàn violin.
 
Tuy nhiên, đại diện 171 nước CITES tham dự hội nghị cũng đã bác bỏ nhiều đề nghị bảo tồn khác như đối với các loài cá mập, san hô đỏ, cây tuyết tùng ở Tây Ban Nha, gỗ hồng mộc… Đáng chú ý là hội nghị vào ngày họp cuối cùng đã bác bỏ thoả thuận về hạn chế buôn bán san hô đỏ và hồng (thường dùng để chế tác đồ trang sức) vừa được thông qua hai ngày trước đó.
 
Theo TTXVN, hội nghị của CITES là một phần trong những nỗ lực trên toàn cầu nhằm làm chậm quá trình tuyệt chủng của một số loài động, thực vật mà theo miêu tả của tổ chức thuộc LHQ này là “cuộc khủng hoảng tuyệt chủng nghiêm trọng nhất” kể từ khi loài khủng long bị “biến mất” cách đây 65 triệu năm. Nguyên nhân của tình trạng này là do môi trường sống bị mất, ô nhiễm, dân số gia tăng và sự biến đổi khí hậu.
 
CITES được 80 nước trên thế giới ký kết năm 1973, đưa ra những quy định bảo vệ gần 33.000 loài động vật hoang dã. Hiện nay số thành viên tổ chức này đã tăng lên 171 nước.