Hai triệu ha đất đang sử dụng ở Việt Nam bị thoái hoá nặng

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 9 triệu ha đất bị hoang hóa, trong đó có 5,06 triệu ha đất chưa sử dụng và 2 triệu ha đất đang được sử dụng bị thoái hóa nặng.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn cho thấy, nước ta còn khoảng chín triệu ha đất bị hoang hóa (chiếm khoảng 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc), trong đó có 5,06 triệu ha đất chưa sử dụng và hai triệu ha đất đang được sử dụng bị thoái hóa nặng.
 
Vẫn theo Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, độ phì nhiêu của đất đang có nguy cơ bị giảm xuống hoặc bị thoái hoá nghiêm trọng do xói mòn, rửa trôi, đá ong hoá, chua mặn hoá.
 
Tài nguyên rừng cũng bị suy giảm đáng kể. Nếu như năm 1943 Việt Nam có tỷ lệ che phủ của rừng là 43%, sau nhiều nỗ lực khắc phục các nguyên nhân mất rừng suốt 60 năm qua, tỷ lệ che phủ hiện nay mới chỉ là 37,6%.
 
Rừng bị mất làm tăng diện tích đất hoang hoá, kéo theo sự giảm sút đáng kể các hệ sinh thái, làm suy thoái vùng đầu nguồn.
 
Cùng với sự suy giảm của rừng, ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng do tình trạng lạm dụng hoá chất trong nông nghiệp, do quản lý chất thải công nghiệp và sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh môi trường.
 
Tài nguyên nước ngầm đang bị cạn kiệt dần về số lượng, suy giảm về chất lượng. Nguy cơ thiếu nước trong những thập kỷ tới rất cao.
 
Ngoài ra sự cố nứt đất và trượt lở đất cũng xảy ra ngày một nghiêm trọng hơn, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc và miền Trung. Các kết quả khảo sát ghi lại 51 điểm sụt lở làm mất hàng năm 350 ha đất với thiệt hại ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Theo dự báo, số lượng sụt lở còn tiếp tục gia tăng và tổng diện tích đất bị mất có thể lên tới 10.000 ha.
 
Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên biển, phát triển nuôi trồng thuỷ sản không có sự kiểm soát chặt chẽ ở một số địa phương cũng là yếu tố gây mất rừng phòng hộ ven biển, làm suy thoái đất đai và nguồn nước. Nước và đất ven biển đã bắt đầu bị ô nhiễm với mức độ ngày càng tăng.
 
Được biết, sa mạc hóa ở Việt Nam khá cục bộ gồm các dải cát hẹp trải dọc theo bờ biển miền Trung, tập trung ở 10 tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích khoảng 419.000 ha và ở đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 43.000 ha.
 
Trong gần 40 năm qua, quá trình hoang mạc hoá do cát di động rất nghiêm trọng. Mỗi năm có khoảng 10-20 ha đất canh tác bị lấn bởi cát di động. Ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, thời tiết đặc biệt khô nóng vào mùa khô, lượng mưa trung bình hàng năm ở một số nơi chỉ đạt khoảng 700 mm (vùng nóng hạn nhất là Ninh Thuận và Bình Thuận).

Ngày thế giới chống sa mạc hoá và hạn hán (17/6) năm nay có chủ đề “Sa mạc hoá và biến đổi khí hậu – Một thách thức toàn cầu” . Chủ đề năm nay nhắc nhở nhân loại rằng biến đổi khí hậu và sa mạc hoá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau ở rất nhiều cấp độ.
 
Sa mạc hoá cùng với biến đổi khí hậu đe doạ nghiêm trọng đến khả năng đạt các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015.
 
Được biết, Việt Nam tham gia công ước chống sa mạc hoá của Liên Hợp Quốc (UNCCD) ngày 25/8/1998 và chính thức trở thành thành viên thứ 134 của UNCCD vào ngày 23/11/1998.