Gia Lai: Tràn lan vỏ thuốc trừ sâu

Gia Lai là địa bàn có diện tích cây nông nghiệp khá lớn và lượng thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh mà nông dân sử dụng cũng không hề nhỏ. Chỉ tính riêng 1 ha cà phê, mỗi năm đã "tiêu tốn" trên dưới 10 lít thuốc. Trong khi đó, việc xử lý chai lọ, vỏ thuốc sau khi phun lại khá cẩu thả. Tình trạng này gây ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề môi trường cũng như sức khoẻ của người dân.
Các tỉnh Tây Nguyên hiện đang bước vào mùa mưa, đây là thời kỳ cao điểm phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Tại các vùng trồng cà phê của Gia Lai, vỏ thuốc bảo vệ thực vật được chất đống ở các lô là tình trạng khá phổ biến. Có nơi, vỏ thuốc được gom lại một chỗ, nhưng cũng có nơi, bà con vứt ngổn ngang giữa vườn mà không lường hết sự nguy hại của dư lượng thuốc còn sót lại.

Ông Mai Thế Thiện, Đội trưởng Đội 6, Công ty Cà phê tỉnh Gia Lai, cho biết: “Hàng năm, công ty chúng tôi đều ra thông báo đến chủ vườn phải gom góp vỏ chai thuốc trừ sâu lại để tập trung huỷ nhưng biện pháp xử lý chưa mạnh, chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở nên cá nhân không chấp hành. Đây là vấn đề nan giải bởi nó không chỉ gây ô nhiễm đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân”.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 76.000 ha cà phê, gần 4.000 ha tiêu, 60.000 ha cao su và hàng chục nghìn ha cây trồng khác. Như vậy, mỗi năm lượng thuốc trừ sâu được sử dụng là rất lớn. Nếu vỏ thuốc bảo vệ thực vật không được xử lý tốt thì nó sẽ trở thành một mối nguy hại lớn, không chỉ có tác động xấu đến sức khỏe người lao động mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước ngầm và cuộc sống của người dân trong vùng.
Theo ông Phạm Khắc Bắc, công nhân Đội 6, Công ty Cà phê tỉnh Gia Lai: “Cứ 1 ha cà phê cần phun khoảng 6 lít thuốc bệnh và 8 lít thuốc sâu. Chai nhựa còn có thể tự huỷ được bằng cách đốt, nhưng với chai thuỷ tinh, người nông dân chưa tìm được lối ra để giải quyết”.

Tuy nhiên, người dân xử lý đốt ngay tại chỗ vẫn không phải là một biện pháp an toàn. Mối nguy hiểm vẫn luôn thường trực ở mọi chỗ, mọi nơi: trong các vườn cây, ngay cạnh giếng nước, dọc bên bờ suối và cả trước mặt nhà của các hộ dân…
Ông Lê Văn Mạnh, Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết: “Hàng tháng, trạm Bảo vệ Thực vật đều có hướng dẫn trong quá trình đi kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc của cán bộ, song ý thức người dân chưa cao, các cấp chính quyền địa phương cũng như cơ cở chưa quan tâm nhiều nên việc khắc phục còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi kiến nghị các cấp các ngành cùng phối hợp phổ biến để người dân thực hiện nghiêm túc hơn”.

Đây quả thực là vấn đề nan giải không chỉ của riêng tỉnh Gia Lai mà còn của hầu hết các địa phương khác trong các nước. Bởi, dân ta vẫn chủ yếu làm nông nghiệp. Hàng năm, nguồn thuốc bảo vệ thực vật được người nông dân sử dụng khá lớn, theo đó, lượng vỏ thải ra cũng khá nhiều. Vì vậy, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung cần khuyến cáo, nhắc nhở bà con nông dân ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như bao bì, nhằm hạn chế thấp nhất sự nguy hại đến môi trường cũng như sức khỏe của người dân.