Phân loại rác tại nguồn – Thành công bước đầu tại Đà Nẵng

Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ môi trường sống vì mục tiêu phát triển bền vững. Giải pháp này đã cụ thể hóa thành dự án và phường Nam Dương, quận Hải Châu (Đà Nẵng) được chọn là địa bàn thực hiện thí điểm dự án này. Qua 5 tháng thực hiện, dự án đã đạt hiệu quả đáng mừng trong việc thay đổi nhận thức và thói quen của cộng đồng.
Mỗi hộ gia đình trên địa bàn phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng được phát 2 thùng rác với 2 màu khác nhau để phân loại rác dễ phân hủy và khó phân hủy. Chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng cũng phải qua một thời gian, thói quen này mới hình thành.

Bà Võ Thị Hòa, trú tại tổ dân phố số 2 Phước Hiệp, phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết: “Khi chưa có phong trào này, chúng tôi cũng đã bỏ rác vào túi và cho vào thùng rác. Nay, phường phát động phân loại rác phân hủy không phân hủy, chúng tôi cứ theo đó mà thực hiện. Thùng bỏ rác mới sạch sẽ và kín đáo hơn”.
Phụ nữ đóng vai trò chính trong sinh hoạt gia đình, do vậy, đối tượng vận động đầu tiên mà dự án phân loại rác tại nguồn nhắm đến là các mẹ, các chị. Mặt khác, công tác vận động, tuyên truyền cũng do cán bộ hội phụ nữ đảm đương, có sự phối hợp tích cực của tổ dân phố.

Bà Huỳnh Thị Nga, cán bộ Hội phụ nữ phường Nam Dương, cho biết: “Các cán bộ hội được phân công, tập huấn, sau đó xuống với dân để tuyên truyền. Chúng tôi phải giúp dân hiểu để dần dần thay đổi hành vi, nhận thức được ích lợi của việc phân loại rác từ nguồn”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hồ, Tổ Phó tổ dân phố số 2 Phước Hiệp, phường Nam Dương: “Chúng tôi đã họp tổ và thông báo cho nhân dân biết về việc phân loại rác bảo vệ môi trường. Mỗi người mỗi việc, chúng tôi đi từng nhà để nhắc nhở bà con thực hiện”.

Tuy mới được thực hiện thí điểm hơn 5 tháng nhưng dự án phân loại rác tại nguồn đã khá thành công trong việc hình thành thói quen tốt cho người dân, từ chỗ bỏ rác lẫn lộn vào 1 thùng chuyển sang phân thành 2 loại rác dễ phân hủy và khó phân hủy vào 2 thùng khác nhau. Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Diệu Thu, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Nam Dương thì đến khâu thu gom, rác lại được đổ chung tất cả, thành ra phân loại rồi cũng như không. Bà cho biết: “Người dân đã phân thành 2 lại rác rồi nhưng công ty môi trường lại chỉ có 1 thùng hoặc 1 xe vào hẻm, như vậy sẽ không phân loại được. Chúng tôi kiến nghị Sở Tài nguyên – Môi trường nên cho 2 thùng để cho người dân bỏ rác”.

Bất cập trên tuy chưa được khắc phục, song nhìn chung, việc phân loại rác tại nguồn là giải pháp xử lý rác thải bền vững, có tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống. Trong quá trình thực hiện dự án, Hội Phụ nữ phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng còn lồng ghép với chương trình xóa nghèo bằng cách tận dụng rác hữu cơ khó phân hủy bán lấy tiền hỗ trợ hội viên nghèo. Đây là những thành công bước đầu mà địa phương đã làm được.