Kiểm soát nghiêm ngặt chăn nuôi, tiêm phòng lại một số đàn gia cầm

“Dịch cúm có nguy cơ lây lan nhanh và có nguy cơ tái phát trên địa bàn cả nước; nguy hiểm hơn, dịch cúm gia cầm đã lây sang người” – Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát đã nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay bất cứ tỉnh nào cũng có nguy cơ tái phát dịch cúm bởi hầu hết các đàn thủy cầm chưa tiêm phòng đều mang trùng và có virus lưu hành. Điển hình như Bắc Ninh có tới 46% số thủy cầm chưa được tiêm phòng phát hiện có virus H5N1 lưu hành, ít như Bắc Giang cũng có 8% số thủy cầm chưa tiêm phòng mang virus H5N1.

Trong khi đó, các địa phương ở ĐBSCL và đặc biệt là ĐBSH vừa thu hoạch xong lúa đông xuân, do tâm lý tiếc lúa rơi rụng, bà con liên tục thả vịt chạy đồng để ăn thóc lúa rơi. Do đó nguy cơ lây lan từ đàn gia cầm nhiễm bệnh sang đàn chưa được tiêm phòng là rất cao.

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, không có biến đổi gien từ việc tiêm phòng vaccine và biện pháp tiêm phòng vaccine là hiệu quả. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc nhiều địa phương thông báo đã tiêm phòng vaccine trên 100%, đang tiến hành tiêm mũi 2 mà vẫn tái phát cúm.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, có tình trạng tiêm phòng ít, báo cáo nhiều, tiêm phòng không đủ số lượng và đặc biệt nguy hiểm là tiêm phòng không đúng kỹ thuật, liều lượng. Theo Bộ Thương mại, việc tiêu thụ gia cầm không kiểm dịch khá tràn lan, ngay tại Hà Nội, vẫn phát hiện nhiều nơi bán tiết canh gia cầm.

Ban chỉ đạo quốc gia PCDCGC yêu cầu các địa phương phải đánh giá lại ngay công tác tiêm phòng vaccine, kể cả địa phương chưa có dịch tái phát. Nếu tiêm không đúng kỹ thuật, phải tiến hành tiêm lại, tiêm bổ sung. Những nơi nào nuôi nhốt được phải thực hiện triệt để việc nuôi nhốt; những nơi không thực hiện được nuôi nhốt phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gia cầm và phải được tiêm phòng đầy đủ. Các địa phương ở biên giới, các huyện giáp ranh giữa các tỉnh phải tổ chức ngay các chốt kiểm soát việc vận chuyển và buôn bán gia cầm.

Ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã ký ban hành công văn số 1543/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành liên quan về việc triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường toàn quốc” trong tháng 6/2007.

ĐBSCL: Nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm rất cao

Ngày 5/6, tin từ Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, kết quả xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm lấy từ 7 con gia cầm của hộ ông Huỳnh Đoàn, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi bị bệnh và chết dần hôm 31/5 âm tính với H5N1. Cà Mau chưa xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng nguy cơ tái bùng phát trên địa bàn tỉnh rất cao. Cà Mau mới tiêm phòng mũi 1 chỉ đạt 85,65% tổng đàn gia cầm điều tra, số lượng gia cầm tái đàn chưa kiểm soát được dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát các ổ dịch, nhất là những địa bàn nhạy cảm về các ổ dịch dập tắt cách đây chưa lâu, còn đang tiềm ẩn mầm bệnh.

Hiện các tỉnh An Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè – thu. Đây cũng là điều kiện để vịt nuôi theo đàn chạy đồng, di chuyển từ các nơi về đây ăn lúa rụng. Các địa phương gần như không thể kiểm soát được số vịt chạy đồng này. Tâm lý chủ quan đang xuất hiện ở nhiều người dân vì cho rằng, dịch khó phát sinh trong mùa hè.

Theo đó, các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung phát quang cây cỏ xung quanh nhà nuôi gia cầm, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 3 lần. Đối với chăn nuôi hộ gia đình, quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia cầm; thu gom phân rác, độn chuồng để đốt hoặc chôn; phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 2 lần.

Đối với cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm: phát quang cây cỏ xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp; thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy; xông hoặc phun khử trùng máy ấp sau mỗi ca sản xuất, phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở…

Quảng Nam: Phát hiện ổ dịch cúm gia cầm thứ 3

Hôm qua 5/6, Quảng Nam lại tiếp tục phát hiện thêm điểm dịch cúm gia cầm mới tại tổ 1, thôn An Thuyên, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình. Ổ cúm mới được phát hiện từ một đàn vịt 220 con, nuôi thịt của ông Trương Tấn Thu mới 25 ngày tuổi, số vịt chết trong 3 ngày qua khoảng 150 con.

Cơ quan thú y huyện Thăng Bình đã cử cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy toàn bộ đàn vịt, tiến hành khử độc khu
vực dân cư này. Cho đến thời điểm này tại Quảng Nam đã có 3 ổ dịch, trong đó điểm dịch ở huyện Duy Xuyên do virus H5N1; hai điểm dịch ở thị xã Hội An và huyện Thăng Bình đang chờ kết quả xét nghiệm.

Đà Nẵng: Từ ngày 10/6, cấm nhập gia cầm và sản phẩm gia cầm

Chiều 5/6, UBND TP Đà Nẵng có lệnh cấm nhập gia cầm và sản phẩm gia cầm vào thành phố kể từ ngày 10/6 nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan vào thành phố. Chi cục Thú y phối hợp với Công an TP tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các chốt chặn Kiêm Liên (Liên Chiểu) và Hòa Phước (Hòa Vang) trên tuyến quốc lộ 1A 24/24 giờ. Quận Ngũ Hành Sơn kiểm soát các tuyến đường nhập gia cầm từ Hội An (Quảng Nam), huyện Hòa Vang quản lý các tuyến quốc lộ 14B và các tuyến đường liên xã giữa TP Đà Nẵng và Quảng Nam.

Sở Y tế TP sẽ kiểm tra và phạt nặng việc buôn bán gia cầm sống tại các chợ trên địa bàn thành phố. Các lò giết mổ trên địa bàn chỉ giết mổ các gia cầm nội địa; các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn không được bán các sản phẩm gia cầm không an toàn như tiết canh, hột vịt lộn…

Cơ sở giết mổ gia cầm tập trung: sau khi gia cầm được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng trước khi nhập đàn mới; nơi giết mổ vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất; phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh.

Tại các chợ buôn bán gia cầm sống ở khu vực nông thôn: quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực bán gia cầm, lồng nhốt gia cầm cuối mỗi buổi chợ; phương tiện vận chuyển, lồng nhốt phải được phun khử trùng khi vào, ra khỏi chợ; những quầy bán thịt gia cầm phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, sát trùng cuối mỗi buổi chợ. Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm: quét dọn, vệ sinh, phun tiêu độc một tuần một lần.

Theo Cục Thú y (Bộ NN & PTNT) ngày 5/6, tuy không có thêm tỉnh mới tái phát dịch cúm, nhưng dịch cúm gia cầm tiếp tục ở tỉnh Sơn La làm 86 gà chết trên tổng đàn 100 con và 61 ngan chết trên tổng đàn 67 con; 278 con vịt chết trên tổng đàn 480 con. Tính từ đầu tháng 5/007, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 15 tỉnh.