TPP bắt đầu chặng nước rút

ThienNhien.Net – Từ ngày 28-31/7, Bộ trưởng Thương mại các nước bắt đầu nhóm họp đàm phán TPP tại đảo Maui, Hawaii.

Đây sẽ là những ngày quyết định đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại được cho là sẽ có tác động rất lớn đối với hàng chục nền kinh tế trải dài từ Mỹ cho tới Brunei.

Ảnh: Người đồng hành
Ảnh: Người đồng hành

12 quốc gia tham gia đàm phán TPP đang tìm kiến một thỏa thuận chung trong giai đoạn cuối cùng của các cuộc đàm phán tự do thương mại.

Nếu được thông qua, TPP sẽ cắt giảm thuế quan và rào cản thương mại giữa các nước thành viên và thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Hiện vẫn còn một số vấn đề tồn đọng và trong phiên họp này, trưởng đoàn 12 nước TPP sẽ đàm phán về các mặt hàng điều chỉnh ưu đãi cho khối doanh nghiệp nhà nước và các điều kiện cạnh tranh công bằng giữa các công ty nhà nước và tư nhân.

Trong khi đó, Nhật Bản, Mỹ cũng đang hướng tới việc đạt được một thỏa thuận nhằm loại bỏ thuế suất 4,3% các sản phẩm thịt lợn cao cấp của Nhật Bản xuất sang Mỹ. Hiện 2 nền kinh tế lớn nhất TPP này được cho là nút thắt chính trong tiến trình đàm phán hiệp định tự do thương mại đa phương TPP.

Sau Hội nghị diễn ra trong 4 ngày, sự quan tâm sẽ tập trung vào việc liệu 2 nước có đạt được một thỏa thuận chung không sau khi giải quyết các vấn đề gây tranh cãi liên quan đến hạn ngạch nhập khẩu vào Nhật Bản đối với lúa gạo của Mỹ và tốc độ xóa bỏ thuế quan đối với phụ tùng ô tô của Nhật Bản.

“Chúng tôi đã đạt những tiến bộ đáng kể trong việc thu hẹp các vấn đề còn tồn đọng và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết các vấn đề cụ thể song phương”, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết hồi đầu tháng bảy.

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại từ 12 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Mexico và Canada đã gặp nhau hồi cuối tháng 5 năm nay.

Thỏa thuận TPP nhằm hướng tới việc đảm bảo các thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác (bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản). Theo dự kiến tổng cộng sẽ chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.

Trong số các quốc gia tham gia đàm phán TPP, 53% người dân nói thỏa thuận này sẽ tốt cho đất nước của họ, trong khi 23% nghĩ rằng nó sẽ mang lại kết quả xấu, theo một cuộc điều tra ý kiến từ Trung tâm nghiên cứu Pew công bố hôm 21/7/2015.