Rác không còn vô dụng!

Rác có thể được tái chế thành phân bón cho nền nông nghiệp sản xuất sạch, thành vật liệu xây dựng giá rẻ…Và cũng có thể chỉ đem đi chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường. Để rác có ích, việc đầu tiên là phải phân loại rác

Lâu nay, người ta chủ yếu vẫn xử lý rác bằng cách chôn lấp. Dân số tăng lên, lượng rác thải cũng ngày một tăng, khiến các bãi chôn lấp ở trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, rác thải hàng ngày chứa một tỷ lệ rất lớn là rác hữu cơ như phần bỏ đi của rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống… Rác hữu cơ có đặc điểm là dễ phân huỷ, trên thực tế đã được tận dụng để tái chế thành phân bón sinh học. Loại phân bón này tốt cho cây trồng, có tác dụng cải tạo đất và không làm ô nhiễm môi trường.

Chế biến rác thành phân bón sạch

Nhà máy tái chế chất thải Cầu Diễn thuộc Cty TNHH Môi trường đô thị (Hà Nội) mỗi ngày thu gom 210.000 tấn rác thải đã qua phân loại để chế biến thành phân vi sinh. Rác được thu gom về, tập kết tại Nhà chứa rác rộng 600 m2, rồi được tuyển lựa bằng dây chuyền tự động (công suất 18 tấn/giờ); loại bớt những rác vô cơ còn sót, lẫn như thuỷ tinh, nilon, giấy… Sau đó, rác được trộn lẫn với men vi sinh, bổ sung độ ẩm và đưa vào ủ trong bể lên men trong 21 ngày. Các bể ủ được kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm bằng hệ thống tự động. Sau đó, rác tiếp tục được đưa vào nhà ủ chín, ủ trong 15-18 ngày, phối hợp với quá trình đảo, trộn và bổ sung độ ẩm nếu cần. Qua công đoạn này, bán thành phẩm (có màu nâu đên như đất mùn) được đưa sang nhà tinh chế để tuyển lựa về kích thước, tỷ trọng. Phân hữu cơ có tỷ trọng nhẹ hơn 0,5 tấn/1m3 được đưa vào vào chế biến phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ khoáng để canh tác, nhất là cho những vùng trồng rau sạch, nông sản sạch. Phần còn lại được đưa vào bón cây xanh và cải tạo đất trồng trọt.

Nhà máy được thành lập từ những năm 1990, đến năm 2000 được nâng cấp bằng nguồn vốn tài trợ ODA của chính phủ Tây Ban Nha. Ông Đào Ngọc Quang, Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: Trước đây, rác thu gom về chỉ chứa khoảng 50% là rác hữu cơ có thể tái chế. Nay, sau khi Cty TNHH Nhà nước 1 thành viên Môi trường đô thị triển khai dự án phân loại rác tại nguồn (dự án 3R), lượng rác thu gom đã chứa 80% rác hữu cơ; giúp cho việc tái chế thuận lợi hơn.

Điều đáng nói là, mặc dù đã được phân loại, nhưng rác vô cơ (không ủ được) lẫn trong đó vẫn còn nhiều, chủ yếu là nilon, sau khi sàng lọc, tiếp tục được chuyển đi chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn. Vì thế, gặp chúng tôi, những công nhân làm việc tại nhà máy đều bày tỏ mong muốn người dân có ý thức hơn trong việc phân loại rác từ nguồn thì công việc của những công nhân vệ sinh môi trường, công nhân xử lý rác… sẽ hiệu quả hơn; mặc dù độ vất vả thì cũng không vì thế mà giảm đi được.

Mỗi năm hiện Nhà máy sản xuất được 13.200 tấn phân vi sinh thành phẩm, sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Chúng tôi đã gặp ông Bùi Văn Kẹn, Giám đốc Công ty rau quả nông sản Giao Phong (một nông trường ở miền núi phía Bắc) đến liên hệ mua sản phẩm tại nhà máy. Ông Kẹn cho biết: Nông trường đã mua phân bón của Nhà máy tái chế chất thải Cầu Diễn từ năm 2004 cho đến nay, thấy chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý. Được biết, hiện tại có những khách hàng ở tận Tây Nguyên cũng mua sản phẩm của Nhà máy.

Cái được lớn nhất là giữ sạch môi trường, phát triển bền vững

Khi tiếp xúc với những người dân đang tham gia dự án thí điểm phân loại rác, chúng tôi nhận ra được một băn khoăn của bà con: họ cho rằng khi Công ty Môi trường đô thị thu gom rác và tái chế tại nhà máy, bán được sản phẩm, tất sẽ có lãi mà lại không hề phải mua nguyên liệu! Vậy nên bà con đòi hỏi phải được phát những đồ chứa rác, túi nilông được rác thường xuyên. Đòi hỏi này không phải là không chính đáng. Nhưng qua trao đổi với kỹ sư Đào Ngọc Quang- Phó Giám đốc Nhà máy tái chế chất thải Cầu Diễn chúng tôi được biết, hiện tại giá thành để sản xuất ra 1 tấn phân hữu cơ sinh học còn rất cao, vì thế, chưa thể nói đến chuyện Công ty thu lãi từ việc này. Với rác đã phân loại một cách lý tưởng (100% vô cơ), giá thành là trên 320.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, như hiện nay, khi rác đã phân loại mới chỉ đạt 70-80% vo cơ, thì giá thành giao động từ 470.000 đến 500.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, chi phí này còn chưa trừ khấu hao và chi phí bảo dưỡng máy móc.

Thời gian qua, khi thực hiện thí điểm phân loại rác tại phường Phan Chu Trinh (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), Công ty Môi trường đô thị phát cho 1830 hộ gia đình trong phường 02 túi/ngày để phân loại rác; đã tốn hết từ 25-30 triệu đồng/tháng. Chi phí này quả thực rất tốn kém.

Ông Trần Ngọc Quang bày tỏ hy vọng dự án phân loại rác sẽ thành công khi ý thức của người dân về gìn giữ môi trường được nâng cao, lúc đó Nhà máy cũng sẽ phát triển, mở rộng và nâng cao công suất. Trong tương lai xa hơn, những chất thải trơ không ủ được mà giờ đây đang phải chuyển sang bãi rác Nam Sơn để chôn lấp sẽ được đầu tư để tái chế thành bê tông, hay ván ép nhựa, ống cống thoát nước bằng nhựa… dùng trong xây dựng. Những sản phẩm này cũng đã được nghiên cứu sản xuất ở nhiều nơi trong nước và sẽ trở nên phổ biến trong một tương lai không xa.