Rủi ro nguồn nước đang chi phối đầu tư phát triển

ThienNhien.Net – Cũng như những người chủ gia đình không suy tính nhiều khi mở vòi nước, các cố vấn tài chính khi cân nhắc đầu tư vào một công ty hay một sản phẩm mới cũng coi nhẹ vấn đề nguồn nước. Các chính phủ và các thể chế tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đã từng như vậy khi xét duyệt các khoản vay để xây dựng thủy điện, các nhà máy năng lượng và hầm mỏ.

Mỏ khai thác khoáng sản ngừng hoạt động do khan hiếm nước và làn sóng phản đối của người dân địa phương tại Cajamarca, Peru. (Ảnh: J. Carl Ganter / Circle of Blue)
Mỏ khai thác khoáng sản ngừng hoạt động do khan hiếm nước và làn sóng phản đối của người dân địa phương tại Cajamarca, Peru. (Ảnh: J. Carl Ganter / Circle of Blue)

Thế nhưng, đó là trước khi dân số thế giới cùng nhu cầu nước sạch tăng vọt, trước khi biến đổi khí hậu phá vỡ những vòng tuần hoàn vốn ổn định của mưa, tuyết và bão, trước khi mạng Internet củng cố những liên minh toàn cầu giúp đào tạo và hỗ trợ các tổ chức dân sự phản đối việc lãng phí nước và các dự án gây ô nhiễm nguồn nước. Đó cũng là trước khi những rủi ro nguồn nước trở thành nhân tố gây nên một chuỗi dài những dự án thất bại, từ những đập nước quy mô lớn, các hầm mỏ, đến nhà máy điện và nông trại, gây tổn thất hàng tỷ USD.

Tốc độ thay đổi tình trạng nguồn nước từ khá ổn định sang bất ổn định cùng mức độ tổn thất đã làm kinh ngạc các chủ doanh nghiệp và các quan chức chính phủ. Điều này cũng mang lại nỗi thất vọng to lớn cho cộng đồng đầu tư quốc tế, những người đang ứng phó bằng thế hệ đầu tiên những công cụ kỹ thuật số và những mô hình tài chính giúp hiểu rõ hơn những hiểm họa kinh tế từ hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm và bất ổn xã hội do suy giảm nguồn dự trữ nước sạch.

Tổn thất từ các rủi ro có liên quan đến nguồn nước

Một ví dụ điển hình là trận hạn hán kéo dài tại California vào năm 2015 đã khiến hơn 404.000 ha đất trồng trọt và đất vườn mất khả năng sản xuất. Trước đó, trận hạn hán năm 2014 cũng đã gây thất thoát hơn 2 tỷ USD trong ngành nông nghiệp, theo thống kê của các nhà nông học.

Một trận hạn hán kéo dài 2 năm ở Nam Mỹ cũng đã làm giảm một nửa sản lượng hoa màu và làm dấy lên các cuộc biểu tình nhằm ngăn chặn việc xây dựng các hầm mỏ than và các nhà máy điện chạy than tiêu tốn quá nhiều nước.Venezuela đang phải hứng chịu đợt thiếu nước nghiêm trọng đến nỗi thời gian làm việc giảm xuống còn 2 ngày/tuần do các nhà máy thủy điện không sản xuất đủ lượng điện tiêu thụ.

Các hiểm họa về nước đang gây bất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu. Việc Trung Quốc quay lưng với than đá gây nên tình trạng suy thoái thị trường than quốc tế. Giá than giảm khiến đa số các công ty than lớn của Mỹ lâm vào tình trạng phá sản.

Sản xuất than tiêu tốn rất nhiều nước. (Ảnh: Aaron Jaffe / Circle of Blue)
Sản xuất than tiêu tốn rất nhiều nước. (Ảnh: Aaron Jaffe / Circle of Blue)

Việc sản xuất và sử dụng than đòi hỏi một khối lượng nước lớn. Tháng 2 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố đóng cửa 1.000 hầm mỏ than, tương đương gần 10% tổng số hầm mỏ. Tiếp đến, vào tháng 4, Trung Quốc ra thông cáo tuyên bố nước này sẽ ngừng xây dựng 200 nhà máy điện chạy than mới có tổng công suất 105.000 megawatt, tương đương 10% sản lượng điện sản xuất tại Mỹ.

Cả hai thông cáo trên của Trung Quốc đều xuất phát từ tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ở miền Bắc nước này, nơi tập trung hầu hết các mỏ than, cũng là nơi một số lượng đáng kể các nhà máy chạy bằng than mới vẫn đang được lên kế hoạch xây dựng.

Những mô hình đánh giá rủi ro mới

TS. Bruce Kahn và công ty Sustainable Insight Capital Management nằm trong số những cố vấn đầu tư phát triển các mô hình nội địa nhằm đánh giá các rủi ro nguồn nước của các công ty và các dự án mà họ quan tâm. TS. Kahn cũng tham gia phát triển một bộ công cụ trực tuyến kiêm ngoại tuyến nhằm dự đoán những rủi ro tài chính gây ra bởi nguồn nước không ổn định.

Một trong những công cụ nêu trên là Aqueduct, bản đồ trực tuyến phát triển bởi Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), kết hợp dữ liệu về khí hậu và các phỏng đoán về kinh tế xã hội của Ủy ban Quốc tế về Biến đổi khí hậu (IPCC). Aqueduct xử lý các con số và xác định những vùng đang có nguy cơ hứng chịu rủi ro cao nhất về nước. Theo  các nhà nghiên cứu tại WRI, công cụ này đã cung cấp những bằng chứng quý giá mới cho thấy những rủi ro từ sự bất ổn của nguồn cung nước đang ngày càng gia tăng, không chỉ do hạn hán, lũ lụt hay ô nhiễm. Tăng trưởng dân số và nhu cầu nước sạch ngày càng cao khiến áp lực lên nguồn nước tăng cao hơn bao giờ hết.

Những công trình quang năng không tiêu tốn nước như các nguồn sản xuất năng lượng khác. (Ảnh: J. Carl Ganter / Circle of Blue) Một công cụ thuộc thế hệ đầu tiên khác là Công cụ Đánh giá Rủi ro Nguồn nước (W
Những công trình quang năng không tiêu tốn nước như các nguồn sản xuất năng lượng khác. (Ảnh: J. Carl Ganter / Circle of Blue)

Một công cụ thuộc thế hệ đầu tiên khác là Công cụ Đánh giá Rủi ro Nguồn nước (Water Risk Valuation Tool). Nằm trong cổng dữ liệu của Công ty Bloomberg, công cụ này giúp cảnh báo những rủi ro về nguồn nước và bất ổn xã hội trong ngành công nghiệp mỏ, giúp nhà đầu tư hạn chế những rủi ro và tổn thất kinh tế do nguồn nước. Công cụ này được Bloomberg phát triển trong vòng 2 năm, sau khi tung ra một sản phẩm tương tự giúp nhận định các rủi ro tài chính từ khí thải carbon.

Công cụ mới của Bloomberg xuất hiện khi những bất ổn do nguồn nước đang tăng cao trong ngành công nghiệp mỏ. Đầu năm nay, công ty khai thác mỏ Newmont Mining đã dừng dự án Conga khai thác đồng và vàng tại dãy Andes phía bắc Peru trị giá 4,8 tỷ USD. Cư dân sống ở đây đã phản đối công ty và chính quyền do những lo ngại về ô nhiễm và bất ổn định nguồn nước.

Công cụ thứ ba đang được thai nghén bởi RMS, nhóm nghiên cứu có trụ sở tại California (Hoa Kỳ) sở hữu các mô hình tài chính  dự đoán thiệt hại gây ra bởi các thảm họa môi trường. Nhóm nghiên cứu tại trụ sở London cũng đang phát triển một mô hình rủi ro nhằm dự đoán những tổn thất tài chính có thể gây ra bởi các đợt hạn hán trong tương lai.

Theo Dominic Smith, quản lý cấp cao tại RMS, công cụ trên về cơ bản là một bài kiểm tra áp lực tài chính. RMS đưa ra những dữ liệu quá khứ nhằm đánh giá hậu quả kinh tế của những đợt hạn hán trước đó, sau đó kết hợp với những dự đoán khí tượng và khí hậu, dựa vào khoa học về biến đổi khí hậu để kết luận những ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm nguồn nước tới nguồn thu tài chính.

Nền kinh tế trước bờ vực

Nhu cầu đối với những công cụ kể trên ngày càng trở nên cấp bách khi ngày càng nhiều bằng chứng về thiệt hại tài chính gây ra bởi nguồn nước thiếu ổn định. Trong khoảng đầu năm nay, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xếp loại khủng hoảng về nguồn nước trong nhóm các rủi ro toàn cầu hàng đầu đối với công nghiệp và xã hội trong thập kỷ tới.

Khu vực trong hình tại Peru đã được giải thoát khỏi doanh nghiệp khai thác mỏ lớn nhất thế giới Newmont Mining nhờ làn sóng phản đối của dân chúng. (Ảnh: J. Carl Ganter / Circle of Blue)
Khu vực trong hình tại Peru đã được giải thoát khỏi doanh nghiệp khai thác mỏ lớn nhất thế giới Newmont Mining nhờ làn sóng phản đối của dân chúng. (Ảnh: J. Carl Ganter / Circle of Blue)

Tháng sáu vừa qua, WB đã công bố một nghiên cứu chỉ ra rằng tốc độ gia tăng dân số, thu nhập và sự mở rộng các thành phố sẽ đẩy nhu cầu về nước tăng vọt song song với tình trạng với tình trạng bất ổn định của nguồn nước. Theo tác giả báo cáo, cả hai xu hướng trên có thể làm giảm khoảng 6% tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của một vài khu vực vào giữa thế kỷ này.

“Khan hiếm nước là mối đe dọa lớn đối với sự tăng trưởng và ổn định kinh tế thế giới, và biến đổi khí hậu đang làm cho tình hình thêm tồi tệ… Nếu các quốc gia không hành động nhằm quản lý nguồn nước của mình hiệu quả hơn, phân tích của chúng tôi cho thấy một vài khu vực có dân số lớn sẽ phải hứng chịu tăng trưởng kinh tế âm trong một thời gian dài”, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB khẳng định khi công bố báo cáo.