LHQ thảo luận biện pháp bảo vệ những loài bị đe doạ

ThienNhien.Net – Cuộc họp năm nay của Liên Hợp Quốc về việc giám sát buôn bán các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng chủ yếu tập trung vào các loài: cá nhám gai, loài cu li ở Nam Á và Đông Nam Á, san hô đỏ, gỗ hồng sắc và vấn đề kéo dài lâu nay là liệu có nên thả lỏng lệnh cấm săn bắt voi lấy ngà hay không.

Thống kê cho thấy, có khoảng 40 đề xuất mới của các chính phủ về việc sửa đổi điều luật thương mại động vật hoang dã sẽ được quyết định trong hội nghị sắp tới. Đây là hội nghị được tổ chức 3 năm một lần của Ban thư ký Công ước về thương mại quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Hội nghị lần này sẽ được tổ chức tại Hà Lan từ ngày 03-15/06.

Theo CITES, sự đa dạng sinh học đang phải đối mặt với một chuỗi những đe doạ từ việc tàn phá môi trường sống đến sự thay đổi khí hậu và nạn săn bắt không thể kiểm soát nhằm phục vụ mục đích thương mại. Rất nhiều đề xuất đã phản ánh mối quan tâm toàn cầu ngày càng lớn về việc gia tăng tốc độ phá huỷ nguồn tài nguyên rừng và biển do đánh bắt cá và đốn gỗ quá mức.

Các thành viên của CITES trong đó có Mỹ, Kenya và Đức – quốc gia đại diện cho Cộng đồng chung châu Âu (EC) – đã đề xuất những điều luật mới, bao gồm:

• Hệ thống giấy phép và chương trình quản lý đánh bắt bền vững đối với cá nhám gai – một loài cá nhám nhỏ vốn rất dồi dào ở vùng nước ấm nhưng hiện đang bị khai thác quá mức để lấy thịt. Loài này rất có giá trị ở châu Âu và thường có trong các cửa hàng bán cá và khoai tây ở Anh.

• Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán san hô đỏ – loài san hô có giá trị nhất và đã bị đánh bắt trong suốt 5.000 năm qua để làm đồ trang sức hay các vật trang trí khác. Hiện nay, loài san hô này đang suy giảm cạn kiệt do bị đánh bắt quá mức và bị phá hủy bởi các lưới rà, lưới cào của các tàu đánh bắt.

• Áp đặt Lệnh cấm thương mại quốc tế với loài cá răng cưa. Số lượng loài này đã giảm tới 90% do những chiếc răng, vây và các bộ phận khác của chúng có giá cao, được sử dụng làm thuốc cổ truyền và những con cá còn sống thì bị bắt làm cá cảnh.

• Một lệnh cấm tương tự cũng được áp dụng đối với 2 loài culi – loài linh trưởng nhỏ hoạt động về đêm, sinh sống ở vùng Nam Á và Đông Nam Á. Chúng đang bị đe doạ do nhu cầu ngày càng tăng cao ở châu Á để làm thuốc cổ truyền và vật nuôi làm cảnh.

• Giấy phép thương mại đối với 3 loài gỗ hồng sắc chỉ phát triển ở vùng rừng ngập nước phía Nam Belize, vùng lân cận Guatemala, Mexico. Các loài này đang bị đe doạ bởi nạn phá rừng gia tăng và do công dụng làm nhạc cụ của chúng.

• Giấy phép tương tự với cây tuyết tùng ở vùng Trung và Nam Mỹ – một loài gỗ hiếm có sức đề kháng chống lại sự thối rữa và côn trùng. Trước đây, loài này khá phổ biến ở địa phương nhưng hiện nay rừng cây đang bị tàn phá trên diện rộng.

Về vấn đề ngà voi châu Phi, cuộc tranh cãi dai dẳng về mâu thuẫn giữa lợi ích thu được từ việc buôn bán ngà voi với ý kiến của cộng đồng địa phương cho rằng việc buôn bán có thể khuyến khích nạn săn trộm vẫn chưa đến hồi kết thúc. CITES đã cấm buôn bán ngà voi quốc tế vào năm 1989 nhưng đến năm 1997 lại công nhận rằng một số loài voi châu Phi khoẻ mạnh được quản lý tốt và đã cho phép Botswana, Namibia và Zimbabwe tiến hành giao dịch lần đầu với Nhật Bản với tổng số lượng là 50 tấn ngà voi.

Năm 2002, CITES đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép Botswana, Namibia và Nam Mỹ buôn bán ngà voi lần thứ hai. Tuy nhiên việc buôn bán không tiến triển do chương trình kiểm tra định lượng để thiết lập dữ liệu cơ sở về số lượng voi và nạn săn trộm voi vẫn chưa sẵn sàng.

Botswana và Namibia đang cùng đề xuất nới lỏng điều kiện cho phép buôn bán ngà voi trong tương lai, trong khi Kenya và Mali kêu gọi đưa ra lệnh cấm buôn bán ngà voi thô và sản phẩm đã gia công từ tất cả các quốc gia trong vòng 20 năm. Các nước này cho rằng việc cho phép bất cứ hoạt động buôn bán nào cũng sẽ làm gia tăng hiện tượng săn trộm.