Việc trồng rừng có thể làm gia tăng lượng khí thải cacbon?

ThienNhien.Net – Trong một nghiên cứu đầu tháng 04/2007, các nhà khoa học cho rằng việc trồng cây ở đâu cũng là một yếu tố quan trọng đối với các dự án cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Chỉ những khu rừng được trồng và bảo vệ ở vùng nhiệt đới mới có khả năng hạn chế sự ấm dần lên của trái đât.

Khi kết hợp phân tích yếu tố khí hậu và các tác động của chu trình tuần hoàn cacbon ở những khu rừng bị chặt phá trên diện rộng với mô hình tương tác ba chiều khí hậu – lượng cacbon, các nhà nghiên cứu đã khẳng định chỉ có thể góp phần giảm lượng khí cácbon khi trồng thêm rừng vùng nhiệt đới. Còn tại khu vực vĩ độ cao và trung bình, việc trồng mới rừng có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình ấm lên của trái đất. Cụ thể, nếu trồng thêm nhiều cây xanh ở khu vực có vĩ độ trung bình như Mỹ hay phần lớn Châu Âu sẽ chỉ mang lại chút ít ích lợi cho môi trường. Việc trồng rừng ở phương bắc như Canada, Scandinavia hay Siberia thậm chí còn có tác dụng tiêu cực.

Những cánh rừng sẽ ảnh hưởng đến khí hậu theo 3 hướng: (1) cây xanh hấp thụ khí nhà kính – carbon dioxide – từ khí quyển và làm mát trái đất; (2) cây xanh thoát hơi nước vào không khí làm tăng lượng mây mù, cũng làm mát trái đất; (3) cây cối hấp thụ ánh sáng mặt trời (hiệu ứng albedo) và làm trái đất ấm lên. Tuy nhiên, các chương trình khuyến khích trồng rừng nhằm giảm bớt sự thay đổi khí hậu trước đây mới chỉ tính đến ảnh hưởng thứ nhất của cây xanh.

Ông Govindasamy Bala cho rằng, rừng rậm nhiệt đới rất có ích để làm giảm hiện tượng trái đất ấm dần lên vì ngoài việc hấp thụ khí carbon dioxide, cây rừng sẽ làm tăng sự đối lưu không khí và các đám mây, do đó giúp làm giảm nhiệt độ trái đất. Ở các vùng khác, sự ấm lên từ hiệu ứng albedo sẽ có thể ngang bằng hoặc thậm chí vượt quá khả năng làm mát của hai tác dụng trên của cây xanh.

Theo nghiên cứu này, đến năm 2100, rừng cây ở các vùng có vĩ độ cao và trung bình sẽ làm nhiệt độ ở các vùng này tăng lên đến 100F so với cùng khu vực đó nhưng không có rừng.

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng không nên chặt phá các khu rừng ngoài vùng nhiệt đới để hạn chế sự thay đổi khí hậu. Theo ông Ken Caldeira thuộc viện Carmegie, đồng tác giả của bản báo cáo này, mục tiêu cơ bản khi ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu là để bảo tồn các hệ sinh thái; do đó, việc phá huỷ một hệ sinh thái nào đó để ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu sẽ là sai lầm và phản tác dụng. Bên cạnh vai trò điều chỉnh khí hậu trái đất, những khu rừng còn có nhiều giá trị khác như cung cấp môi trường sống cho các loài động thực vật, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các loại gỗ và chất đốt giá trị, bảo vệ các dòng chảy và ngăn chặn hiện tượng axit hóa nước biển. Để đương đầu với các thách thức toàn cầu, chúng ta nên theo đuổi các mục tiêu lớn và tránh các thành kiến hẹp có thể dẫn tới các hậu quả tai hại đối với môi trường.