Heo rừng đang bị tận diệt

Năm Đinh Hợi, nhiều ngư ời tìm kiếm vận may t ừ những thứ có liên quan đến ch ữ “heo”. Chưa biết thực hư thế nào, nhưng từ thực tế này, loài heo rừng đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Heo rừng xuống phố

Mới hơn 8 giờ sáng, hai quán chuyên bán thịt thú rừng ở xã miền núi H.S thuộc huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) là Q.L và H.Đ đã đông nghịt khách khứa từ dưới phố lên. Một dãy dài ô tô bóng lộn đậu hai bên con đường hẹp dẫn vào quán. Với lợi thế gần cửa rừng và án ngữ đường vận chuyển thịt rừng các loại về thành phố, hai quán này không lúc nào thiếu các món đặc sản như nhím, chồn, hươu, nai, mang, trĩ… Riêng thịt heo rừng thì lúc nào cũng ê hề. Khách bước vào quán, các cô tiếp viên đọc vanh vách thực đơn: Heo rừng luộc chấm mắm cái hay muối ớt xanh cay xè, heo rừng xào lăn, heo rừng nướng mọi… Quán M.H ở xã H.P cũng nổi tiếng không kém về khoản thịt rừng. Quán này nằm trên quốc lộ 14B (cũ), lúc nào cũng đông khách. Do nằm trên tuyến đường nối các huyện miền núi Quảng Nam như Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn nên quán M.H không bao giờ thiếu thịt rừng…

Để có tiết canh heo rừng thì chủ quán phải đặt hàng với các đầu nậu chuyển heo rừng còn sống xuống phố. Vận chuyển heo rừng về Đà Nẵng có ba con đường chính. Một theo đường từ xã H.B đến H.S xuống quốc lộ 1A. Một theo quốc lộ 14B từ các huyện miền núi Quảng Nam về Đà Nẵng. Ngoài ra, đường sông Cu Đê cũng thường xuyên được các tay chuyên cung cấp heo rừng ở Đà Nẵng chọn lựa. Heo rừng còn sống được trói gô, bỏ vào túi lưới, bên ngoài bọc một bao tải rồi nhét lên xe đò, lên ghe chở hàng hay dùng xe gắn máy chở thẳng xuống phố giao cho khách. Việc vận chuyển heo rừng sống về phố hết sức khó khăn. Theo ông Th. ở thị trấn T.M (Quảng Nam), một trùm cung cấp heo rừng sống cho các quán nhậu ở Đà Nẵng: “Khi vận chuyển heo rừng về xuôi bằng xe đò, phải nhét chúng dưới gầm bởi nước tiểu heo rừng rất khai. Người có nghề chỉ thoáng nghe mùi là biết ngay trên xe có chở heo rừng hay không”.

Heo rừng rất hiếm khi bẫy sống được nên món tiết canh của chúng trở thành quý hiếm đối với dân nhậu. Nhiều người còn thêu dệt rằng, ăn một dĩa tiết canh heo rừng công hiệu như uống… Viagra!

Giết sạch bất kể lớn nhỏ

Theo anh H., một thợ săn lão luyện ở huyện Đông Giang, những năm trước heo rừng nhiều, dạn dĩ kéo về hàng đàn, dễ săn bắn. Khi dân thành phố bắt đầu ghiền món heo rừng thì cũng là lúc người người, nhà nhà đổ xô vào rừng tìm diệt heo rừng, bất kể chúng còn nhỏ hay trưởng thành. Theo một đầu nậu ở Nam Giang, mỗi ngày có không dưới 50 con heo rừng bị tiêu diệt để đưa về Đà Nẵng. Anh H. tâm sự: “Ngày xưa các thợ săn ngầm thỏa thuận với nhau chỉ bắn những con heo trưởng thành, heo độc thân. Nay do khan hiếm và có quá đông “sát thủ” nên hễ gặp heo là họ ra tay bất kể heo lớn, heo nhỏ. Thậm chí có những con heo mẹ vừa mới sinh con còn đỏ hỏn cũng bị bắn và xẻ thịt ngay tại chỗ”.

Thịt heo rừng ngày mỗi hiếm, nên giá cũng “nhảy tưng tưng” theo nhu cầu của thực khách. Giá một ki-lô-gam heo rừng mua tại đầu nậu đã vọt lên 50.000 – 60.000 đồng/kg. Heo rừng còn sống cỡ chừng 10 kg khi về đến Đà Nẵng có giá 70.000 – 80.000 đồng/kg. Giá cao vậy, nhưng không phải lúc nào đặt hàng cũng có ngay. Có lần chúng tôi thử đặt hàng ông Th. ở T.M. Ông này phán: “Phải chờ, bao giờ có sẽ điện. Hàng bây giờ hiếm lắm. Giá cũng phụ thuộc vào… thợ săn người ta có bẫy được mấy chú tầm tầm hay không”.

Khi vẫn còn nhiều người chọn săn bắn thú rừng làm kế sinh nhai thì heo rừng vẫn tiếp tục bị săn đuổi, tận diệt.