Vườn cò – Một tiềm năng còn bỏ ngỏ

ThienNhien.Net – Sử dụng chính các sân chim, vườn cò này làm giáo cụ học quan cho các hoạt động giáo dục bảo tồn đối với cộng đồng có thể được coi là một trong các giải pháp lý tưởng.

Nhiều năm nay, trên báo chí thường hay nhắc đến sự xuất hiện liên tục của các vườn cò. Thậm chí ở nhiều nơi, số lượng chim, cò đã vượt khỏi giới hạn cho phép do diện tích nơi ở và cảnh quan vùng cư trú dành cho chúng có hạn, điển hình như ở Vườn Cò Chi Lăng Nam (Hải Dương), Vườn Chim Công viên Văn hoá Cà Mau ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Phòng giáo dục môi trường tại Chi Lăng Nam

“ Đất lành chim đậu” là câu nói từ lâu đã được truyền khẩu trong dân gian, điều này được minh chứng bằng sự phát hiện lại loài Gà lôi lam mào trắng (Lophura eadwardsi) ở Quảng Trị sau hơn 70 năm, tương tự như vậy với Gà so cổ hung (Arborophila davidi), rồi sau gần 60 năm đã tìm thấy lại loài Mi núi bà (Crocias langbianis) và rất nhiều loài khác.

Trong cả nước, hiện đã có tới 50 vườn cò, sân chim – thật là một con số không nhỏ. Thử nghĩ, tại sao những vườn cò, sân chim nằm ngay trong các thôn xóm, ngoài chức năng là điểm tham quan du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học và tôn tạo cảnh quan làng quê… lại không thể trở thành điểm đến thân thuộc đối với các em học sinh các trường phổ thông ở địa phương !

 

Tài liệu giảng dạy tại Vườn cò Chi Lăng Nam

Trong các công trình nghiên cứu sau đại học, rất nhiều học viên đã phân tích sâu sắc về các áp lực đe doạ lên bảo tồn, và khuyến nghị về công tác gíáo dục và nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học đối với cộng đồng. Nhưng trên thực tế, những khuyến nghị của họ không được thực sự quan tâm.

Các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo tồn cho cộng đồng và học sinh cũng được đề cập đến tại 3 trong 8 mục tiêu của “Chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (QĐ 192/2003/QĐ-TTg ngày 17/9/2003), đó là: (1) Nâng cao nhận thức của cộng đồng về BT ĐDSH và các KBT; (2) Tăng cường GD và đào tạo về ĐDSH và KBT tại các trường học; và (3) Nâng cao Kỹ năng và kiến thức của đội ngũ cán bộ GD và truyền thông ở KBT & các cấp. Đồng thời, Bộ KHCN và MT cũng đã xây dựng Chương trình nâng cao nhận thức đa dạng sinh học gai đoạn 2001-2010 (QĐ số 26/2002/QĐ-BKHCNMT, 8/5/2002).

Xét về mặt đa dạng sinh học và bảo tồn thì các vườn cò, sân chim là nơi chứa đựng nhiều tiềm năng, tự nơi đây đã góp phần tô điểm cho cảnh quan của các vùng quê trù phú và quyến rũ, thu hút khách tham quan du lịch sinh thái… Đặc biệt, các vườn cò là nơi chứa đựng tiềm năng về các hoạt động giáo dục bảo tồn đối với mọi đối tượng tại cộng đồng và khách tham quan du lịch từ mọi miền, là hiện trường tốt nhất cho các hoạt động ngoại khoá đối với học sinh.

 

Học sinh thực hành tại Vườn quốc gia Cần Giờ

Khác với quy mô và sự phân bố của các Khu BTTN hay Vườn quốc gia, các vườn chim (sân chim, vườn cò) được hình thành và phát triển tận các xã và thôn bản. Cho nên, việc sử dụng chính các sân chim, vườn cò này làm giáo cụ học quan cho các hoạt động giáo dục bảo tồn đối với cộng đồng có thể được coi là một trong các giải pháp lý tưởng.

Một số đề xuất

– Xây dựng mô hình về giáo dục cộng đồng, du dịch sinh thái bằng các hoạt động tại vườn cò (kết hợp với Sở TN-MT hay Sở KH-CN, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là các đoàn thể tại địa phương (tổ chức thanh thiếu niên, phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, …). Trên thực tế, các vườn cò là những mô hình thực hành lý tưởng đối với giáo viên và học sinh trong giảng dạy học tập bộ môn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái của học sinh các cấp, từ tiểu học trở lên – kể cả việc thực hiện các đề tài nghiên cứu tại các bộ môn Lâm sinh (Đại học Lâm nghiệp), Sinh học (Đại học Khoa học Tự nhiên)…

– Cần khôi phục và duy trì các mô hình mà nhiều dự án quốc tế đã tiến hành trong sự hợp tác với Sở / Phòng GDĐT và trường học tại vùng đệm khu bảo tồn trong những năm qua.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các vườn cò được phát triển lâu dài, từ đào tạo nhân lực đến phát triển cơ sở hạ tầng. Trước mắt là quy chế quản lý các vườn chim được quản lý bởi cơ quan nhà nước (UBND xã, huyện hay Ban quản lý các lâm trường, ngư trường), hay bới các tổ chức đoàn thể ở địa phương (Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Hhoa học,…) và bởi các gia đình. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể xây dựng các dự án nhỏ nhằm bảo vệ các sân chim, vườn cò.

– Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập của nhiều đối tượng khác nhau tại các sân chim, vườn cò, chúng ta cần biên soạn và giới thiệu, trao đổi các loại sách, báo, tư liệu về chim, thú, cá, dơi, bò sát, ếch nhái, côn trùng, về Luật về Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, về vệ sinh môi trường và nước sạch, Sách đỏ Việt Nam về động vật, thực vật hay tranh ảnh, tài liệu dành cho học sinh do các dự án quốc tế và các tổ chức bảo tồn cung cấp (đáng chú ý là của WWF, FFI, ENV, Pan Nature, Cục Bảo vệ môi trường …)