Những làng quê rộn tiếng chim!

ThienNhien.Net – Trên cả nước, số lượng vườn chim (vườn cò) đã lên đến con số 50. Đây là nơi tập trung nhiều nguồn gen quý hiếm, tạo cảnh quan sinh thái có giá trị trong việc thực hiện các hoạt động giáo dục nhằm bảo vệ môi trường. ThienNhien.Net giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Cử (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) – một trong những chuyên gia hàng đầu về các loài chim ở Việt Nam.

Hệ thống sân chim, vườn chim thực ra đã có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu trên mọi vùng miền trong cả nước. Khắp nơi người dân địa phương luôn quan tâm và tự hào mỗi khi trên quê hương mình xuất hiện những đàn chim bay lượn trên bầu trời vào lúc hoàng hôn hay trong buổi bình minh. Bên những cái tổ xinh xinh là những chú chim non với những túm lông tơ trắng mịn vươn dài cái cổ họng đỏ hoe đợi mẹ mớm mồi.

 

Vườn chim Bạc Liêu với những tổ rồng rộc.

Các vườn chim có lịch sử hình thành và độ lớn không giống nhau, một số chỉ bó hẹp trong phạm vi từ 1 đến 3 ha, số khác rộng đến 5 – 7 và 10 ha rồi lên tới cả trăm ha như Sân Chim Bạc Liêu.

Tại các tỉnh ĐBSCL, vài năm trước đây đã có trên 30 vườn cò. Đó là Vườn Chim ở Thới An (Cần Thơ), Duyên Hải và Trà Cú (Trà Vinh), Cái Bẹ (Cà Mau), Vàm Hồ (Bến Tre), và Đầm Dơi (Cà Mau)…

 

Vườn cò Đông Xuyên

Vườn chim Thới An đã hình thành từ năm 1983, và ngày càng phát triển mạnh. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Thuyền ngày đêm cả nhà quây quần bên lũ chim và bận rộn với các đoàn khách trong nước và quốc tế.

Đến thăm Vườn Chim Trà Cú ở Chùa Dòng Lớn (Trà Vinh), hoà thượng Trầm Ri người Khơ Me cho biết: vào năm 1999, đàn chim trong vườn chùa đã có đến gần 5 ngàn con, đến đầu năm 2007 số loài Quắm đầu đen…(có tên trong Sách đỏ) đã lên đến hàng trăm con. Về mùa đông trên các cây cổ thụ của khu Chùa Hang ở gần đó tấp nập những đàn chim bay lượn, các đàn Quắm đen bay về phủ kín cả góc chùa!

 

 Công viên Cần Giờ

Một ví dụ khác: từ sau ngày miền Nam giải phóng, và mãi cho đến năm 1983, Sân Chim Đầm Dơi (Cà Mau) hay Vườn Chim Má Bảy (bà má trông coi vườn chim rộng lớn nhất vùng ĐBSCL lúc bấy giờ), trong vườn trên những cây ngập mặn cổ thụ người ta có thể dễ dàng quan sát thấy hàng chục tổ chim lớn nhỏ và hàng trăm con Dơi quả nặng đến nửa kilôgam thả mình dưới những tán cây rừng rậm rạp.

 

 Vườn cò Chi Lăng Nam

Trở về miền đông Nam bộ, tại khu vực Cửa khẩu Mộc Bài, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (Tây Ninh), từ năm 2005, đàn Cò Trắng ước tính hàng ngàn con bay về trú ngụ trong khu rừng tràm nước rộng khoảng 600ha.

Quay ra miền Nam Trung bộ, chúng ta lại có dịp bắt gặp cảnh hàng ngàn con chim vạc bay đi, bay về trong “khu rừng mini” – Vườn Cò của anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái (Nha Trang).

 

Xem chim tại Vườn quốc gia Cửu Long

Ngoài Bắc, không thể không nói đến vườn cò ở xã Tiến Nông, Triệu Sơn, Thanh Hoá. Đã vài thập niên rồi, vườn cò trong xã luôn được chăm sóc bảo vệ chu đáo bởi Hội Cựu chiến binh xã.

 

 Vườn cò Tây Ninh

Theo hướng phía tây, đến Vĩnh Phúc, có xã Hải Lựu nằm trên bờ sông Lô, tại đây trên địa bàn thôn Dừa Lẻ có một Vườn Chim Hải Lựu rộng gần 5ha. Bà Vũ Thị Khiêm nay đã ở tuổi 65, là chủ nhân của Vườn Chim này. Vườn Chim được hình thành vào năm 1959-1960 khi gia đình bà chuyển việc trồng cây nông nghiệp sang trồng cây gỗ, và tre bao quanh. Vài năm đầu chim chỉ đến ngủ và tiếp đó chúng đã ở lại làm tổ, bà Khiêm yêu quý chúng như những người bạn trong mảnh vườn của mình.

 

Chòi quan sát chim tại Vườn quốc gia U Minh Thượng

Đi về hướng bắc Hà Nội, đến huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh, chúng ta lại có dịp vào ngắm nhìn Vườn Cò Đông Xuyên. Đình làng Đông Xuyên sau khi được phục hồi thì đàn chim lại quay trở về làm tổ và sống tại đây trên các luỹ tre làng luôn toả bóng trên mặt nước. Những luỹ tre xanh tốt chạy dọc theo bờ ao cá đối diện khu chùa làng cổ kính luôn rộn tiếng chim như nhắc nhỡ mọi người hãy giữ lấy cuộc sống yên bình và một làng quê “ xanh sạch đẹp”.

 

Vườn cò Tân Sơn (Bắc Giang) – Hai vợ chồng cùng tham gia bảo vệ Vườn cò này.

Đi về hướng đông, đến với Vườn Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện, Hải Dương), chúng ta lại có dịp quan sát đảo cò nổi trên mặt hồ An Dương. Nhìn sang bờ hồ phía trái là khu đảo cò mới được mở rộng lên bờ, nơi đây vài năm về trước là khu vườn và nhà ở của 7 hộ gia đình trong thôn, nay nó đã trở thành nơi sống và làm tổ của hàng trăm ngàn cò, vạc. Vườn Cò Chi Lăng Nam được hình thành và bảo vệ từ năm 1994, trên một đảo nhỏ rộng khoảng 280m2, với tổng diện tích kể cả mặt hồ An Dương đạt chừng 9ha.