IPM – Con đường phát triển một nền nông nghiệp bền vững

ThienNhien.Net – Việc sử dụng quá ngưỡng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… dẫn đến tình trạng đất đai ngày càng ô nhiễm, chất lượng sản phẩm nông ngiệp giảm, nguồn bệnh tích luỹ. Muốn lập lại cân bằng sinh thái, giảm thiểu tác hại của sâu bệnh, cần có một biện pháp lâu dài và tổng hợp. IPM là một mô hình đã và đang được áp dụng tại Việt Nam.

IPM (Intergrated Pest Managerment) – thuật ngữ thường được sử dụng trong nhiều năm gần đây – đề cập đến việc quản lý dịch hại tổng hợp – còn được gọi là Phòng trừ tổng hợp. Đó là một hệ thống điều khiển dịch hại bằng cách sử dụng hài hoà những biện pháp kỹ thuật một cách thích hợp, trên cơ sở phân tích hệ sinh thái đồng ruộng một cách hợp lý để giữ cho chủng quần dịch hại luôn ở mức dưới ngưỡng gây hại.

IPM phát triển dựa trên những nguyên tắc cơ bản như: Trồng cây khoẻ và có sức chống chịu cao; Làm giàu thiên địch – tạo điều kiện cho thiên địch phát triển và nhân giống; nông dân sẽ trở thành chuyên gia đồng ruộng – làm chủ hoàn toàn mảnh đất mình canh tác, nắm bắt tình hình một cách cụ thể. IPM với tính chất là sử dụng biện pháp tổng hợp để quản lý dịch hại đối với cây trồng, trên cơ sở sinh thái học sẽ làm tăng năng suất, cải thiện phẩm chất, bảo vệ sinh thái, giảm độc hại do sử dụng thuốc quá đáng và giảm chi phí đầu tư.

Tuy nhiên, IPM không phải là một quy trình mà các nhà kỹ thuật chỉ cần khuyến cáo cho nông dân thực hiện là xong. Vấn đề là phải chuyển giao cho nông dân các kỹ năng, phương pháp để giải quyết những khó khăn, tự đưa ra những quyết định đúng đắn cho ruộng vườn của mình.

IPM tại Việt Nam

Những năm gần đây, IPM đã được tiến hành thực hiện ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều mô hình IPM đã được xây dựng với kết quả khả quan trong việc phòng trừ sâu bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những địa phương tiêu biểu về việc áp dụng mô hình IPM có thể kể đến như Bắc Ninh, Cần Thơ, Tuyên Quang…

Kết quả kiểm tra việc ứng dụng IPM ở Yên Phong cho thấy năng suất tăng từ 5 – 8%, chi phí cho thuốc hoá học giảm đi đáng kể. Người dân thu lãi từ 1 – 1,2 triệu đồng/ha so với phương pháp canh tác thông thường. Đặc biệt, biện pháp này đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chất lượng nông sản được nâng cao.

Tại Cần Thơ, trong thời gian từ năm 2005 – 2007, dưới sự hỗ trợ kinh phí 350.000 USD của Australia, Cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đã tiến hành tập huấn cho nông dân toàn tỉnh về IPM, trên cây có múi. Hoạt động này được tiến hành với mục đích giới thiệu cho nông dân kỹ thuật canh tác, cách nhận dạng các loại sâu bệnh và biện pháp quản lý tổng hợp theo phương pháp IPM. Qua đây, bà con cũng được hướng dẫn cách quan sát, đánh giá hiệu lực của một số loại thuốc trừ dịch hại cũng như ảnh hưởng của nó đến quần thể côn trùng có ích, đánh giá hiệu lực của thuốc Confidor kết hợp dầu khoáng trong việc khống chế dịch hại trên cây có múi.

Ngoài ra, chương trình còn hướng dẫn nông dân các biện pháp bảo quản cây trồng, cắt tỉa cành lá có dấu hiệu bị bệnh, sử dụng nước sạch tưới tiêu, tận dụng phân hữu cơ cung cấp cho cây… Với các phương pháp IPM, chi phí canh tác cây có múi giảm gần phân nửa so với phương pháp canh tác thông thường của nông dân. Chương trình đã thu hút không chỉ nông dân ở Cần Thơ, mà còn nhận được sự quan tâm của hơn 7.000 nhà vườn ở các tỉnh phía Nam. Điều này cho thấy IPM đã và đang ngày càng tập trung sự chú ý của bà con nông dân và những ai quan tâm đến sự phát triển của nông nghiệp.

Rất nhiều mô hình IPM khác cũng đã và đang được tiến hành tại khắp các vùng miền trong cả nước. Điểm chung lớn nhất là các mô hình này đều hướng đến việc phát triển một nền nông nghiệp năng suất cao, trên cơ sở hạn chế dư lượng thuốc BVTV, xây dựng nền cân bằng sinh thái bền vững.

Trong nghiên cứu khoa học, IPM là một vấn đề gây được sự chú ý bởi tính thiết thực của nó. Nhiều đề tài lớn tập trung vào lĩnh vực này. Trong đề tài có tên “Giữ gìn cân bằng sinh thái trong đất và chiến lược IPM cho cây rau quả”, PGS. TS Nguyễn Thơ (Phân viện Cơ điện & Công nghiệp sau thu hoạch) đã đề cập đến một loạt luận điểm như: những hành động sai trái của con người khi tác động vào tự nhiên, mô hình IPM cho cây ăn quả dựa trên nền tảng là sự bảo đảm cân bằng sinh thái. Cùng về lĩnh vực này, ở cấp bộ, đề tài “Phát triển và lập mô hình phòng trừ tổng hợp (IPM) sâu bệnh hại rau màu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long” do PGS. TS Nguyễn Văn Huỳnh chủ trì chính cũng nhận được sự đánh giá cao trong giới khoa học, có tính ứng dụng.

Các biện pháp trong hệ thống IPM

Các biện pháp trong hệ thống IPM
1. Biện pháp sinh học (Đấu tranh sinh học & phòng trừ sinh học)
2. Biện pháp kỹ thuật
3. Biện pháp canh tác
4. Biện pháp sử dụng hóa chất khi cần thiết và hợp lý

Biện pháp sinh học

Trong hệ sinh thái luôn có mối quan hệ dinh dưỡng, các thành phần trong chuỗi dinh dưỡng luôn khống chế lẫn nhau nhằm hài hòa về số lượng. Điều này được hiểu là đấu tranh sinh học trong tự nhiên. Để phát triển nông nghiệp, chúng ta cần nắm được điều này, lợi dụng nó để hạn chế sự can thiệp của con người.

Biện pháp sinh học được xây dựng dựa trên cơ sở đó, nhằm giúp các thiên địch (côn trùng có ích) phát triển, chúng sẽ tấn công sâu hại. Đây là một giải pháp hữu ích nhằm tạo sự cân bằng trong thiên nhiên. Thiên địch chỉ phát triển mạnh khi việc sử dụng thuốc trừ sâu được hạn chế. Biện pháp sinh học có thể được thực hiện tốt bằng con đường xen canh, giữ một số loài cỏ vì chúng cung cấp phấn hoa làm thức ăn cho côn trùng có ích. Rất nhiều loài thiên địch đã bị huỷ hoại do thiếu hiểu biết. Chim, tắc kè, rắn mối, ếch, nhái… ăn nhiều loại côn trùng. Kiến vàng kiểm soát khá hiệu quả bọ xít xanh trên cây họ cam quýt. Nhiều vườn cây nuôi kiến vàng đã hạn chế nhiều sâu bệnh hại. Một số côn trùng, nấm, virus… ký sinh làm chết sâu hại.

Có thể chia côn trùng có ích làm hai nhóm: Nhóm ăn thịt (chuồn chuồn, bọ ngựa, kiến vàng, bọ rùa, nhện, dòi ăn rệp…) và Nhóm ký sinh (trưởng thành đẻ trứng vào cơ thể sâu hại, ấu trùng nở ra dùng ngay cơ thể của ký chủ làm thức ăn (thí dụ các loài ong ký sinh).

Hiện nay, thuốc trừ sâu sinh học được coi là một trong các yếu tố của quy trình IPM. Việc sử dụng đúng mức thuốc trừ sâu sinh học sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho cây trồng trong nông nghiệp.

Biện pháp kỹ thuật

Biện pháp kỹ thuật được hiểu là việc sử dụng các kĩ thuật canh tác có liên quan tới sản xuất cây trồng nhằm hạn chế tối đa môi trường sống và sinh sản của các loài dịch hại, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho cây trồng phát triển khỏe, có sức chống dịch hại cao.

Biện pháp kĩ thuật bao gồm các bước như: Chọn giống (chọn giống chống chịu sâu bệnh, ít bệnh, không nằm trong vùng đang có dịch bệnh), Nhân giống (đặc biệt chú ý đến gốc ghép, cành ghép vì đây là yếu tố chi phối chủ yếu đến “sức khoẻ” của cây ghép)…

Biện pháp canh tác

Các quốc gia đã đưa bông và/hoặc ngô Bt vào canh tác đại trà, từ 1996 đến 2004

 Cây trồng Quốc gia 
 Bông  Ác – hen – tina
 Úc
Trung Quốc
Cô – lôm – bi – a
Ấn Độ
In – đô – nê – si – a
Mê – hi – cô
Nam Phi
Hoa Kỳ

 Ngô Ác – hen – ti – na
Canada
Pháp
Đức
Honduras
Phi – lip – pin
Bồ Đào Nha
 Nam Phi
Hoa Kỳ
Uruguay

Nguồn: Clive James, 2005.

Biện pháp canh tác (bao gồm cả truyền thống và hiện đại) được hiểu là các phương cách tiến hành khi trồng trọt, nhằm hạn chế sự phát triển của sâu bệnh. Khử giống trước khi trồng (ví dụ: ngâm nhúng các cây giống và dung dịch thuốc trừ sâu bênh trước khi đem trồng) là một cách làm khá hữu hiệu. Cũng vậy, cải thiện môi trường sống (tránh đất bị ngập úng hay quá nhiều nấm bệnh, tránh trồng cây với mật độ dày đặc, chú trọng bổ sung tro vôi với đất có độ pH thấp…) vẫn thường được tiến hành trên các thửa ruộng canh tác.

Tương tự, có một loạt các biện pháp trong mô hình IPM sẽ được áp dụng nhằm giảm thiểu sâu bệnh, nâng cao hiệu quả cây trồng như: chọn mật độ cây thích hợp, tỉa thoáng tán cây, xen canh, bón phân cân đối đầy đủ, bao quả (với cây ăn quả), tích cực vệ sinh vườn ruộng, dung bẫy diệt côn trùng.

 
IPM hiện đang được coi là một biện pháp hữu hiệu trong việc phòng trừ sâu bệnh. Việc kết hợp các biện pháp khác nhau sẽ giúp kiểm soát được các loại bệnh cây trồng. Điều đáng nói hơn, IPM đem lại sự trong lành cho môi trường nông nghiệp, bảo vệ sức khoẻ người sản xuất cũng như người tiêu dung. Đây là mục đích cuối cùng hướng đến của một nền nông nghiệp bền vững.

Biện pháp hoá học

Biện pháp hoá học là biện pháp cuối cùng sau khi đã áp dụng các biện pháp nói trên mà không đem lại hiệu quả, khi mật độ dịch hại phát triển đến ngưỡng gây thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, sử dụng biện pháp hoá học cần cẩn trọng và tôn trọng các nguyên tắc về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Một tiêu chuẩn được đặt ra khi sử dụng biện pháp sinh học, được gọi là 4 đúng: Đúng thuốc (phải đọc kỹ nhãn thuốc trước khi sử dụng, tuỳ theo đối tượng gây hại mà chọn thuốc cho phù hợp); Đúng lúc (Bệnh ghẻ lá xoài phải phun thuốc khi lá còn non, thrips trên chuối phải phun và tiêm khi bắp vừa nhú ra…); Đúng liều (không dùng đặc quá phí thuốc gây độc cho người, không loãng quá vì không trị được sâu bệnh. Sử dụng thuốc theo đúng nồng độ khuyến cáo ghi trên nhãn, không sử dụng nồng độ cao hơn quy định. Trường hợp sâu bệnh kháng thuốc thì thay thuốc khác chứ khong tăng liều lượng); Đúng phương pháp (côn trùng ở mặt dưới lá phải phun thuốc vào mặt dưới lá…). Cùng với đó, người sử dụng cũng cần chọn các loại thuốc chuyên biệt, phổ hẹp, ít độc cho côn trùng có ích; liên tục luân phiên các loại thuốc để tránh hiện tượng kháng thuốc; chỉ sử dụng thuốc sau khi điều tra, dự báo và biết chắc mật độ sâu bệnh vượt ngưỡng kinh tế cho phép; ngưng thuốc để đảm bảo thời gian cách ly, an toàn cho người tiêu dùng.