Mưu sinh từ rác

Bãi rác Thuỷ Phương nằm cách thành phố Huế (Thừa Thiên – Huế) khoảng 20km. Đã nhiều năm nay, người dân nghèo ở 2 xã Thuỷ Phương, Thuỷ Châu và nhiều vùng lân cận đều dựa vào bãi rác này để kiếm sống. Dù biết là cực nhọc, vất cả nhưng nghèo đói khiến người ta không làm khác được. Và bóng đêm trở nên ấm cúng hơn bởi những ước mơ nho nhỏ…
Lúc 0 Giờ

23 giờ 30 phút, khi đường phố và mọi nhà chìm trong giấc ngủ thì ở thôn 5 (xã Thuỷ Phương), tiếng mọi người í ới gọi nhau đi làm, tiếng cười nói râm ran xua tan không khí âm u của đêm vắng. Hàng trăm con người tay bị, tay que cào, đầu đeo đèn soi ếch hoà mình vào bóng đêm. Ai cũng ở tư thế sẵn sàng, chỉ đợi người bảo vệ ở đây hô to: “Đến giờ rồi, bà con vào đi!” là nhanh chóng ùa vào trận chiến. Họ tranh nhau bới tìm, nhặt những thứ có giá trị còn sót lại trong đống rác hôi thối. Sản phẩm thu được là tất cả những gì có thể bán như chai nhựa, chai thuỷ tinh, túi nilon…

Ánh sáng từ ngọn đèn cao áp hắt vào những dáng người gày gò, đen đúa làm lộ ra những khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ. Gần 100 con người tập trung ở đây, đủ mọi thành phần, gốc gác, lứa tuổi; người bản địa có, người từ ngoài Bắc vào cũng có; từ em 10 – 12 tuổi đến bà già 60 cũng “xung phong” vào đội quân nhặt rác. “Ai cũng biết, nhặt rác là vất vả, ô nhiễm, đối mặt với bệnh tật nhưng cũng vì cái đói, cái nghèo, không làm thì lấy gì mà ăn”, bà Thơm, người có thâm niên ở bãi rác này tâm sự. Bà vào nghề từ năm 1999, khi bãi rác Thuỷ Phương vừa đi vào hoạt động. “Bằng tuổi này rồi, nhưng tôi vẫn phải nuôi hai đứa cháu nhỏ. Nhiều khi nghĩ thấy tủi cho phận mình lắm”.

Chị Nguyễn Thị Gái đêm nào cũng cùng cậu con trai Nguyễn Văn Quý đến đây nhặt rác. Chị cho biết, mỗi đêm hai mẹ con cũng kiếm được 30.000 – 50.000 đồng. Nhìn Quý đang mải bới rác cạnh mẹ, tôi hỏi: “Đêm nào cũng nhặt rác thế này lấy thời gian đâu để học?”. “Em học bài xong rồi mới đi, nếu không làm thì lấy gì mà ăn, nói gì đến chuyện học hả chị”, Quý trả lời.

Cũng vì cái ăn mà chị Nguyễn Thị Phương mới sinh được 3 tháng, đêm đêm cũng phải thức trắng để hoà vào dòng người đến đây nhặt rác. Nhiều em nhỏ đang tuổi ăn, tuổi ngủ cũng phải thức cùng người lớn, gắn mình vào bãi rác. Em Phan Văn Hoà nói: “Em nghỉ học từ năm lớp 6, nhặt rác ở đây đã được 5 năm. Bố mẹ em nghèo, không có tiền nuôi hai anh em đi học, nên em phải nghỉ học phụ thêm bố mẹ”. Cô bé Mai mới 12 tuổi nhưng khuôn mặt đã in hằn dấu vết của sự nhọc nhằn: “Em nhặt rác để kiếm tiền đi học, mỗi đêm cũng được 15.000 đồng, đêm nào may thì được 30.000 – 50.000 đồng” – em hồn nhiên khoe.

Những ước mơ nhỏ nhoi

“Người nhặt rác hình như cũng đông hơn trước nên chúng tôi chẳng kiếm được là bao. Nghề nhặt rác giờ cũng khó khăn hơn trước. Ước gì, rác nhiều hơn và có nhiều thứ giá trị để chúng tôi có đủ ngày 2 bữa cơm”, bà Thơm mong ước.

Chị Nguyễn Thị Phương cũng mong: “Giá như có việc làm ổn định hơn để không phải thức trắng hàng đêm. Không chỉ có vậy, chuyện nhặt rác dẫm phải kim tiêm, mảnh chai là chuyện thường ngày nhưng không có tiền nên đành liều vậy”. Và những người nhặt rác cùng chung một ước mong giống nhau là trời đừng mưa và lạnh. Thời tiết bình thường thức đêm đã khổ, trời mưa và lạnh mà qua đêm ngoài trời còn khổ gấp trăm lần, kèm theo là cái đói.

Dù vất vả nhưng những con người mưu sinh từ rác vẫn rất cố gắng để thực hiện mơ ước lớn lao hơn. “Nhặt rác cực lắm nhưng em sẽ cố chịu đựng và theo học đến cùng để sau này có công việc ổn định, chứ không muốn nhặt rác mãi”. Đấy không chỉ là ước muốn của riêng bé Mai, mà là ước mong chung của tất cả những đứa trẻ nhặt rác ở đây.

Trời chuyển dần về sáng. Phía đằng Đông, mặt trời bắt đầu những tia nắng chào đón một ngày mới. Hàng trăm con người nhặt rác lần lượt rời bãi, trên vai là bao tải “chiến lợi phẩm” thu được đêm qua. Khuôn mặt dù mệt mỏi nhưng vẫn ánh lên niềm vui vì sẽ có tiền lo cho những ngày sắp đến. Tôi hoà mình vào dòng người và tin rằng, nghị lực, ý chí của những con người nơi đây rồi sẽ mang lại một ngày mai tươi sáng.