Trái đất có thể sẽ biến thành một hành tinh lạ

ThienNhien.Net – Một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới nghiên cứu về biến đổi khí hậu đã cảnh báo rằng Trái đất của chúng ta đang dần biến thành một hành tinh lạ bởi sự gia tăng không ngừng lượng khí thải nhân tạo gây ra hiệu ứng nhà kính. Và thời gian không còn nhiều, bởi chỉ 10 năm nữa thôi, vấn đề nóng lên toàn cầu có thể sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của loài người và làm thay đổi vĩnh viễn cảnh quan.

Năm 2006, ông Jim Hansen, Giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ Nasa Goddard, thuộc Đại học Columbia ở NewYork đã phàn nàn về việc nhân viên quan hệ công chúng của Nasa, dưới sự điều hành của Văn phòng Bush đã kiên quyết bịt miệng ông bằng cách hạn chế sự tiếp cận của ông với các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với báo chí, ông Hansen đã thẳng thắn đưa ra lời cảnh báo rằng, dấu hiệu đáng lo ngại hiện nay là sự nóng lên toàn cầu đang bắt đầu gây ra những phản ứng rõ rệt nguy hại đến khí hậu, điều này có thể đẩy nhanh tốc độ thay đổi khí hậu.

Ông Hansen khẳng định: “Chúng ta không thể đốt cháy tất cả các nhiên liệu hoá thạch trong lòng đất. Nếu cứ làm như vậy thì chính chúng ta tự huỷ hoại hành tinh này trở thành hành tinh khác lạ. Tôi muốn nói rằng một hành tinh khác đó không còn băng ở vùng Bắc cực, và một hành tinh với việc ấm lên lan rộng tới mức sẽ gây hậu quả trên diện rộng – làm tăng mực nước biển và sự tuyệt chủng”.

Những phản ứng rõ rệt ở vùng vĩ tuyến cao của Bắc bán cầu đã bắt đầu. Trước hết là sự tan băng, điều này có nghĩa bức xạ Mặt trời và hơi nóng phản xạ trở lại vào không gian ít hơn và làm cho vùng này bị nóng hơn. Thứ hai, chính là sự giải phóng khí mêtan từ lãnh nguyên băng giá này (ông Hansen cho biết khí mêtan mạnh hơn gấp 20 lần so với khí CO2).

Nhà khoa học này dẫn lời: “Mối lo ngại lớn nhất hiện nay chính là phản ứng đang xảy ra ở vùng vĩ tuyến cao dường như diễn ra theo đúng kịch bản. Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn mối thảm hoạ này vượt ngoài tầm kiểm soát hoặc chúng ta sẽ bị mất cơ hội ngăn chặn nó kịp thời”.

Ông là một trong số các nhà khoa học đầu tiên đưa ra lời cảnh báo về sự biến đổi khí hậu trước quốc hội Mỹ với những bằng chứng mang tính khoa học cao. Theo đó, loài người chỉ còn chưa đầy 10 năm nữa để thực hiện việc kìm hãm lượng khí CO2 trước khi vấn đề nóng toàn cầu vượt khỏi tầm kiểm soát và làm thay đổi vĩnh viễn cảnh quan.

“Cứ theo đà gia tăng lượng khí CO2 ở mức 2% mỗi năm, thì đến năm 2015 lượng khí này lúc đó sẽ lớn hơn 35% so với năm 2000. Nhưng nếu chúng ta muốn tiến hành một biện pháp để giữ được nhiệt độ Trái đất ở mức trong giới hạn như hàng triệu năm qua, thì chỉ có bằng cách nào đó giảm được 25% lượng khí thải cho đến giữa thế kỷ, và còn 75% cho đến cuối thế kỷ”.

Sự tăng liên tục lượng khí thải CO2 và nhiệt độ trung bình Trái đất đang dần làm tan băng ở cả vùng Greenland và Nam Cực và làm tăng cao mực nước biển.

Ông Hansen đánh giá: “Nếu chúng ta chỉ thản nhiên chạy theo lợi nhuận kinh tế mà không chấm dứt hành động gây ra càng ngày càng nhiều lượng khí thải CO2, thì mực nước biển trong thế kỷ này cũng sẽ dâng cao trên diện rộng, và tôi nghĩ rằng trong một hai thập niên tới điều này sẽ trở nên rõ rệt hơn”.

Lần cuối cùng nhiệt độ Trái đất tăng thêm 3 độ C cách đây ít nhất 3 triệu năm, trong kỷ Pliocene, khi mực nước biển là 25 mét (cộng trừ 10 mét), tức là cao hơn ngày nay khoảng 80 feet. “Điều đó có thể không xảy ra trong vòng một thế kỷ, nhưng có thể hiện tượng mực nước biển tăng thêm vài mét sẽ xảy ra chỉ trong vòng một thế kỷ”, ông Hansen nói.

“Nửa dân số thế giới sống trong bán kính 15 dặm cách bờ biển. Nhiều thành phố lớn ở ngay ven biển. Và vấn đề ở đây là, một khi sự việc đã bắt đầu diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh thì khó mà ngăn cản được. Điều này lý giải cho mục đích tại sao chúng ta cần phải hướng tới giải quyết vấn đề trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Có rất nhiều loài động vật và thực vật sẽ không đối phó được với việc tăng nhiệt độ gây ra hiện tượng đẳng nhiệt (các vành đai có nhiệt độ bằng nhau) với tốc độ 50km/thập niên khi di chuyển về phía các cực, so với tốc độ di cư trung bình của các loài là 6km/thập niên.

“Những loài ở vùng vĩ tuyến cao không có chỗ di trú. Tất nhiên chúng sẽ gặp bất trắc. Chúng hoàn toàn bị trừ khỏi hành tinh”.

Năm ngoái, ông Hansen đã nhận được huy chương Giải thưởng Công tước Edinburgh của WWF (*).


* Chú thích: Huy chương Công tước Edinburgh được WWF trao thưởng hàng năm cho những cống hiến nổi bật về môi trường. Công tước vùng Edinburgh là người bảo trợ của rất nhiều tổ chức, trong đó có WWF và giải thưởng Công tước Edinburgh. Ông là Chủ tịch đầu tiên của WWF Vương quốc Anh từ năm 1961-1982 và là Chủ tịch của WWF Quốc tế từ năm 1981-1996. Hiện nay, ông là Chủ tịch danh dự của WWF.