Ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông từ nước thải sinh hoạt

Ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông (LVS) xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có tác động không hề nhỏ từ nước thải sinh hoạt.

Nước thải sinh hoạt bao gồm nước thải từ hoạt động sinh hoạt của các hộ gia đình và nước thải từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, khu du lịch…). Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 về môi trường nước các lưu vực sông, tỷ lệ nước thải sinh hoạt trên tổng lượng nước thải trực tiếp ra các sông hồ, hay kênh rạch dẫn ra sông khá cao, chiếm đến trên 30%.

Theo số liệu tính toán, khu vực Đông nam bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là hai vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước. Kết quả ước tính lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên một đơn vị diện tích tại các vùng trên cả nước cũng cho thấy, áp lực về nước thải sinh hoạt đối với vùng ĐBSH là lớn nhất, tiếp đến là khu vực ĐNB.

Tỷ lệ đóng góp nước thải sinh hoạt phát sinh tại các vùng trên cả nước, năm 2018. (Ảnh: Nguồn Tổng cục Môi trường)

Đây là hai khu vực có kinh tế phát triển mạnh, thu hút đông đảo lực lượng lao động từ các nơi khác đến. Trong đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt có dân số tập trung cao, đi kèm với đó là lượng nước thải sinh hoạt phát sinh chiếm tỷ lệ lớn trong vùng (Hà Nội chiếm hơn 37% tổng lượng nước thải sinh hoạt của khu vực ĐBSH, thành phố Hồ Chí Minh chiếm trên 54% tổng lượng nước thải của vùng ĐNB).

Lượng nước thải phát sinh trên một đơn vị diện tích đất ở khu vực đô thị lớn hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải của các hệ thống thoát nước và tiếp nhận nước thải tại các thành phố, ảnh hưởng lớn đến chất lượng các nguồn tiếp nhận.

Nước thải sinh hoạt là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước ở các lưu vực sông. (Ảnh: Nguồn ITN)

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm về môi trường nước các lưu vực sông cũng cho thấy, hệ thống thoát nước đô thị Việt Nam chủ yếu dùng chung cho cả thoát nước thải và nước mưa. Theo các số liệu tổng hợp, ước tính có khoảng 60% hộ gia đình ở đô thị có đấu nối vào hệ thống thoát nước công cộng. Tỷ lệ đấu nối này khác nhau ở mỗi thành phố, tuỳ thuộc vào mật độ dân số và điều kiện địa chất. Số liệu báo cáo năm 20181 cho thấy, tỷ lệ nước thải sinh hoạt ở các đô thị loại IV trở lên được thu gom, xử lý đạt khoảng 12,5%, tăng 5% so với giai đoạn 2011 đến 2015, với 45 nhà máy, trạm XLNT tập trung đặt tại 29 tỉnh thành phố. Tỷ lệ số đô thị có công trình XLNT sinh hoạt đạt tiêu chuẩn tỷ lệ thuận với cấp đô thị.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến năm 2018, tỷ lệ khu đô thị (từ loại III trở lên) được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung là 39% với 43 nhà máy XLNT tập trung đã đi vào hoạt động, tổng công suất thiết kế đạt 926.000 m3/ngày đêm. Nếu kể cả các dự án đang xây dựng, có khoảng 80 hệ thống XLNT tập trung, tổng công suất thiết kế khoảng 2.400.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, các nhà máy đã đi vào hoạt động mới chỉ đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu. Nhiều nhà máy đã xây dựng xong hệ thống xử lý nhưng chưa hoàn thành hệ thống cấp thoát nước đồng bộ, dẫn đến các nhà máy chưa hoạt động hết công suất, chỉ khoảng trên dưới 20% công suất thiết kế.

Mặc dù số lượng công trình XLNT đô thị có tăng qua các năm, tuy nhiên con số này còn rất nhỏ so với yêu cầu thực tế cần xử lý. Ở các đô thị lớn, tỷ lệ lượng nước thải được xử lý cao hơn các đô thị vừa và nhỏ nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng được với tốc độ đô thị hóa hiện nay. Tại Hà Nội, mới có khoảng 20,62% tổng lượng nước thải sinh hoạt của thành phố được xử lý, trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ lượng nước thải sinh hoạt được xử lý khoảng hơn 10%.

Đặc trưng của nước thải sinh hoạt có chứa nhiều chất dinh dưỡng, hàm lượng chất rắn lơ lửng, BOD5 và các hợp chất hữu cơ chứa nitơ rất cao, nước thải chứa lượng lớn coliform. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt còn chứa dầu mỡ và các chất hoạt động bề mặt có nguồn gốc phát sinh do sử dụng các chất tẩy rửa trong sinh hoạt. Nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường, tình trạng ô nhiễm các lưu vực sông sẽ ngày càng nghiêm trọng.