Các biện pháp xử lý ĐVHD tịch thu?

ThienNhien.Net – Xử lý ĐVHD tịch thu như thế nào đang là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD). Giải quyết tốt vấn đề này là một khâu quan trọng trong công tác bảo tồn Động vật hoang dã (ĐVHD).

Hiện tại, hầu hết ĐVHD tịch thu được thả về các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc được bán thanh lý. Cả hai giải pháp này đều không có lợi cho công tác bảo tồn và bảo vệ các loài ĐVHD quý hiếm. Việc bán thanh lý động vật hoang dã tuy có đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhưng làm ảnh hưởng đến niềm tin và nỗ lực của người dân tham gia trong cuộc chiến ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD trái phép. Hơn nữa, việc bán thanh lý ĐVHD còn góp phần tạo nên một thị trường hợp pháp cho các ĐVHD có nguồn gốc phi pháp.

Cứu hộ là giải pháp đầu tiên và là lựa chọn tốt nhất đối với các loài ĐVHD nguy cấp

Giải pháp xử lý tốt nhất đối với ĐVHD tịch thu là chuyển giao những loài quý hiếm và nguy cấp về các trung tâm cứu hộ, vườn thú hay các cơ sở phi thương mại khác. Biện pháp này nên được áp dụng đối với những loài có tên trong nhóm IB và IIB của Nghị định 32/NĐ-CP, cũng như những loài bị đe dọa và có nguy cơ bị tuyệt chủng có tên trong Danh sách đỏ IUCN nhưng chưa được liệt kê trong Nghị định này. Trong cuốn hướng dẫn xử lý ĐVHD tịch thu, tổ chức IUCN đề xuất nên chuyển giao ĐVHD về các trung tâm cứu hộ, vườn thú và các cơ sở nghiên cứu phù hợp trước khi thả về môi trường tự nhiên. Vấn đề đặt ra là, hiện có rất ít các trung tâm cứu hộ và vườn thú có thế đáp ứng được đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cho số lượng ĐVHD tịch thu được từ các vụ buôn bán. Các cơ quan chức năng cấp tỉnh cần tìm ra những biện pháp xử lý khác đối với những cá thể ĐVHD tịch thu không thể chuyển giao đến những cơ sở này.

Thả ĐVHD về tự nhiên – biện pháp mang tính hai mặt

Cho tới nay, một trong những giải pháp vẫn thường được áp dụng là thả ĐVHD tịch thu về môi trường tự nhiên. Tuy vậy, các cơ quan chức năng thường thả ĐVHD về những khu rừng gần địa bàn tịch thu mà không xem xét đến yếu tố sinh cảnh cũng như đặc tính sinh thái của loài được thả. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy thả ĐVHD trở lại tự nhiên không phải là giải pháp tối ưu, đặc biệt là khi không thể xác định được nguồn gốc của chúng. Biện pháp này có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cho quần thể loài trong tự nhiên tại địa bàn thả (những cá thể được thả có thể mang nguồn bệnh lây nhiễm). Bản thân những cá thể này cũng khó thích nghi và sinh tồn trong một môi trường hoàn toàn mới. Ngoài ra, điều này có thể gây ra các ảnh hưởng về gen, như sự lai tạp và suy giảm đặc tính tiến hóa thích nghi thông qua giao phối. Nhiều người cho rằng thả ĐVHD về tự nhiên có thể làm tăng tính đa dạng sinh học thông qua việc tăng thêm số lượng các cá thể loài hoặc bù vào số ĐVHD đã bị săn bắt. Xét về mặt khoa học, đây là một quan điểm sai lầm. Trên thực tế, hầu hết các động vật được thả trở lại tự nhiên đều không thể sống sót. Chúng không có khả năng tự điều chỉnh để thích nghi với môi trường sống mới, không tự tìm được thức ăn hay nơi trú ẩn, hoặc không thích nghi với điều kiện khí hậu trong vùng. Những cá thể yếu và không có khả năng thích nghi dễ trở thành con mồi cho những loài động vật ăn thịt thuộc bậc cao hơn trong chuỗi thức ăn, chết vì bệnh dịch, vì thiếu thức ăn, hoặc bị con người săn bắt trở lại. Chính vì vậy, thả ĐVHD trở về tự nhiên không phải là “biện pháp nhân đạo” duy nhất chúng ta có thể áp dụng.

 


Con vượn “trưng bày” tại một quán cà phê (Hà Nội). Tuy nhiên, con vượn đã “biến mất” khi cơ quan chức năng đến kiểm tra quán cà phê này. (Ảnh: ENV)

Trong một số trường hợp, thả ĐVHD về tự nhiên có thể là một biện pháp thích hợp, đặc biệt khi nó phục vụ cho mục đích bảo tồn, chẳng hạn như việc tái thả một loài nào đó về môi trường sinh cảnh cụ thể. Một ví dụ điển hình là việc thả loài cá sấu Xiêm trở lại môi trường tự nhiên ở VQG Cát Tiên. Quá trình này đã được lên kế hoạch và thực hiện một cách thận trọng. Chỉ những cá thể cá sấu Xiêm được kiểm tra gen là thuần chủng và đã được bác sỹ thú y kiểm định đủ điều kiện sức khoẻ mới được thả về tự nhiên. Bên cạnh đó, VQG Cát Tiên còn tiến hành chương trình kiểm tra dài hạn (hiện vẫn còn đang tiếp tục) nhằm đánh giá kết quả việc thả ĐVHD về tự nhiên và xác định tỉ lệ sống sót của số cá thể đã thả. Tuy nhiên, một chương trình tái thả loài ĐVHD như vậy tốn rất nhiều thời gian, nhân lực và chi phí. Hơn nữa, nếu xét từ góc độ khoa học và bảo tồn thì nó chỉ phù hợp trong một số hoàn cảnh cụ thể.

Tiêu huỷ là một lựa chọn nhân đạo

Theo tài liệu hướng dẫn của IUCN, tiêu hủy là một giải pháp nhân đạo ưu tiên đối với những ĐVHD không thể chuyển giao cho các trung tâm cứu hộ hay các vườn thú, với các loài mà các cơ quan chức năng không đủ kinh phí để thực hiện chương trình tái thả. Một số cán bộ kiểm lâm tâm huyết với nghề cho rằng tiêu huỷ ĐVHD tịch thu là một biện pháp đi ngược lại với khái niệm “cứu hộ”. Tuy nhiên, để ngăn chặn và chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD, chúng ta phải đưa ra những quyết định khó khăn và đôi khi khiến chúng ta cảm thấy không hài lòng. Điều quan trọng là toàn bộ số động vật tịch thu sẽ không bị biến thành hàng hóa một lần nữa và các đối tượng buôn bán không thể tiếp tục thu lợi từ số động vật này; từ đó đường dây buôn bán sẽ bị cắt đứt.

Tương lai của một số loài động vật nguy cấp phụ thuộc vào quyết định của chính bạn!