Dầu mỡ cá: mạnh ai người nấy làm!

Dầu mỡ cá mấy tháng trước làm điêu đứng những nhà ghe tàu biển ở Cà Mau, Bạc Liêu vì làm hỏng máy. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ.Mỗi năm ĐBSCL làm ra gần 100.000 tấn mỡ cá. Một phần rất nhỏ trong số này được làm thức ăn gia súc, dầu thực phẩm… Số còn lại đi đâu và liệu có tiếp tục gây hại?

Đi đâu, về đâu?

Ở nhiều cơ sở, khi chúng tôi đặt vấn đề mua mỡ cá thì thường nhận được những cái lắc đầu: “Lúc này mỡ hiếm lắm! Làm ra bao nhiêu đều có mối dặn cả rồi. Phải cho giá trước, đặt số lượng trước mới có”. Sức tiêu thụ khá mạnh. Có nhiều doanh nghiệp chuyên đi mua loại mỡ này, ngoài mua ở các phân xưởng phụ phẩm của nhà máy, nhiều nơi người ta còn đặt các đầu mối mua gom ở khắp các cơ sở sản xuất lớn nhỏ, đến tận từng ao nuôi có lò nấu mỡ để mua. Và gần đây mặc dù giá mỡ cao hơn trước trên dưới 2.500 đồng/kg nhưng mỡ vẫn khan hiếm.

Tại những cơ sở sản xuất mỡ cá lớn ở Thốt Nốt (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), hằng ngày đều có nhiều xe tải, xe bồn đến “ăn” mỡ, được bơm từ bồn chứa như bơm xăng dầu. Cánh tài xế chở hàng khá kiệm lời, chỉ cho biết hàng được về TP.HCM hoặc Bình Dương, Đồng Nai. Ngay cả những người bán ở cầu Xép Bà Lý (thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang) cũng chỉ vắn tắt: “Chúng tôi chỉ bán qua trung gian, không biết đưa về đâu”.

Nhiều cơ sở sản xuất mỡ cá cho biết mối các tỉnh miền Bắc, miền Trung thường đặt hàng liên tục với số lượng tính bằng container. Tiếp cận với vài khách hàng vào mua mỡ tại Thốt Nốt (Cần Thơ), chúng tôi biết sau khi đưa lên các cảng TP.HCM, mỡ sẽ được đóng thùng rồi vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc. Anh Huỳnh Thanh Tâm (TP Long Xuyên) vốn từng nhiều năm mua bán mỡ cá, nói chắc: “Một số mua mỡ để làm dầu chạy máy. Và họ không chỉ đưa về các tỉnh miệt biển ĐBSCL mà còn đưa ra nhiều tỉnh thành trong cả nước”.

Giới sản xuất, mua bán mỡ cá ở ĐBSCL cũng cho rằng một lượng lớn mỡ cá đã được ra TP.HCM, miền Đông, miền Trung, miền Bắc. Theo họ, hoàn toàn có khả năng mỡ đã tinh luyện được pha vào dầu DO để bán lẻ ở những nơi này. Theo những người này, vụ dầu dỏm bị vỡ lở ở Cà Mau là do người bán không am hiểu đã pha loại mỡ xấu với tỉ lệ 50%. Còn nếu pha mỡ loại đã “luyện” vào dầu DO với tỉ lệ vừa phải thì không thể nào phát hiện, bởi động cơ vẫn chạy tốt và chỉ có động cơ mới biết nó đang “uống” thứ dầu gì… Mỡ đã tinh luyện giá 7.500 đồng/kg, nếu pha vào dầu DO hưởng chênh lệch 1.600 đồng/lít, lợi nhuận khá hấp dẫn!

Mỡ cá… phá biodiesel

Trước đây một lượng nhỏ mỡ cá da trơn có dùng để bổ sung chất béo trong thức ăn công nghiệp, còn phần lớn thường thải bỏ gây ô nhiễm môi trường. Từ đó đã có một số người nghiên cứu tìm cách tận dụng nó. Tại An Giang có ông Hồ Xuân Thiên (Công ty Agifish), tại Cần Thơ có ông Trịnh Minh Tú (Công ty TNHH Minh Tú) đã nghiên cứu sản xuất thành công dầu biodiesel từ mỡ cá. Đây là loại nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm, không gây độc hại nếu sản xuất đúng tiêu chuẩn.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã sản xuất và pha trộn với dầu DO có nguồn gốc khoáng sản với tỉ lệ 20% để đưa vào sử dụng. Như vậy, nếu làm đúng qui trình thì ngoài giải quyết vấn đề ô nhiễm, việc sản xuất dầu biodiesel không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn làm tăng giá trị con cá da trơn VN.

 
ĐBSCL có hơn 50 nhà máy chế biến thủy sản, năm 2006 cho ra khoảng 500.000 tấn phế phẩm. Thứ phế phẩm này một số ít nhà máy vẫn sử dụng để sản xuất mỡ; phần lớn còn lại bán cho tư nhân; chỉ một số ít được dùng làm thức ăn chăn nuôi, còn lại đều được “luyện” mỡ cá. Mỗi năm ĐBSCL làm ra gần 100.000 tấn mỡ cá từ phế phẩm.

Để “luyện mỡ”, người làm thủ công dùng thêm một số phụ gia. Ông Hồ Xuân Thiên, người từng nghiên cứu sản xuất thành công dầu sinh học từ mỡ cá, cho rằng một số người biết được qui trình sản xuất dầu biodiesel: mỡ cá (thành phần chính là triglyceride) tác dụng với mêthanol dưới chất xúc tác là xút (NaOH) sẽ cho ra biodiesel, glycerin.

Tuy nhiên, để thu được sản phẩm có độ đồng nhất không lẫn tạp chất, đạt các chỉ tiêu lý hóa sử dụng cho động cơ, đòi hỏi cần một qui trình sản xuất gồm nhiều công đoạn và các phản ứng tinh luyện với điều kiện phản ứng, xúc tác khá phức tạp. Nếu không đảm bảo được yêu cầu đó, sản phẩm thu được chỉ là các acid béo và glycerin. Như vậy sản phẩm ở các lò “luyện mỡ” chủ yếu là các acid béo. Các acid béo này có màu giống như biodiesel, tan trong dầu DO, nó dùng chạy máy được nhưng gây hư hỏng máy.

Tại An Giang, Công ty Agifish đang xây dựng nhà máy chế biến biodiesel công suất 30.000 lít/ngày. Ở Cần Thơ, Công ty TNHH Minh Tú cũng đã đầu tư hơn 12 tỉ đồng xây dựng nhà máy sản xuất dầu sinh học từ mỡ cá. Tuy nhiên, từ sau những nghiên cứu sản xuất thành công dầu biodiesel thì việc sản xuất mỡ trong dân ào ào nở rộ. Do đó nguồn nguyên liệu khan hiếm, đẩy giá mỡ cá trên thị trường tăng vọt. Ông Trịnh Minh Tú lo lắng: “Lúc đầu chỉ 3.500 – 4.000 đồng/kg, gần đây lên tới 6.000 đồng/kg. Tình hình này khiến dầu sinh học có giá thành sản xuất vượt giá dầu DO, không thể đưa ra thị trường”.

Thêm nữa, việc sản xuất không đăng ký, không kiểm soát chất lượng từ các cơ sở sản xuất mỡ “ba không” không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn gây nên tình trạng lập lờ, lẫn lộn giữa biodiesel thật và giả. Mỡ cá… hóa dầu được tiêu thụ rộng rãi đã làm chết… biodiesel thật. “Với giá mỡ cao và tình trạng sản xuất mỡ, “luyện mỡ” thả nổi tràn lan như thế thì việc sản xuất dầu sinh học có khả năng bị phá sản!”, ông Hồ Xuân Thiên than thở.