Nhìn Hạ Long, lo Cát Bà

Khai thác và bảo tồn giá trị thiên nhiên ở Hạ Long trở thành bài học đắt giá cho khu dự trữ sinh quyển thế giới như Cát Bà.

Được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đặc sắc, đa dạng về sinh học. UNESCO công nhận 8 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới và 9 khu dự trữ sinh quyển, đây được xem là một ưu thế để thúc đẩy ngành du lịch tại Việt Nam. Trong lúc đó, báo cáo Best Countries 2018 của US News & World Report đánh giá Việt Nam xếp hạng 26 về mặt di sản, cao hơn rất nhiều thứ hạng 44 của tổng hòa các yếu tố.

Tuy nhiên, việc khai thác lợi thế độc đáo quốc gia này dường như chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt khi chi tiêu bình quân trên mỗi du khách đến Việt Nam chỉ khoảng 950USD, tương đương 21 triệu đồng, chỉ bằng một nửa chi tiêu của du khách đến Thái Lan hay Singapore. Trong số 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017, hơn phân nửa đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc với mức chi tiêu bình quân chưa đến 900USD mỗi người, trong khi nhóm khách chi tiêu nhiều nhất đến từ châu Âu, với mức chi tiêu lên đến 1.400-1.600 USD chỉ chiếm khoảng 13%.

Khi Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới và Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển thế giới, cùng nhau thành lập liên minh để đề cử di sản thiên nhiên Hạ Long – Cát Bà với hội đồng UNESCO vào kỳ đánh giá năm 2020, cũng là lần thứ 3 Hạ Long đề cử, thì một vấn đề lớn của ngành du lịch Việt Nam lại nổi lên: làm sao phát triển bền vững?

Cát Bà tránh vết xe Hạ Long

Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh 2 lần, là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới theo công bố của tổ chức New Open World. Vịnh Hạ Long có diện tích hơn 1.500km2, bao gồm 2.000 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi. Phần lõi của Vịnh được UNESCO công nhận có diện tích hơn 300km2 quần tụ gần 800 hòn đảo.

Vươn lên trên mặt nước từ 100-200m, hầu hết những hòn đảo này đều không có người ở nên bảo tồn được vẻ hoang sơ. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo đã khiến Vịnh Hạ Long trở thành quần tụ đa dạng sinh học. Có 74 loài động, thực vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại Vịnh.

Kể từ khi được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994, bộ mặt của Hạ Long đã thay đổi đáng kể, đến nỗi ông Neahga Leonard, Giám đốc Chương trình Bảo tồn voọc Cát Bà, phải lên tiếng: “Hãy nhìn kỹ Hạ Long trong buổi sáng nay, rồi chú tâm vào con đường bạn sẽ đi ở Cát Bà. Bạn sẽ thấy sai lầm mà chúng tôi không muốn bị lặp lại”.

Là một quần đảo gồm 365 hòn đảo, Cát Bà chỉ có thể đến được bằng đường biển. Cát Bà được UNESCO công nhận là 1 trong 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, với mức độ đa dạng sinh học cao. Có những loài động, thực vật đặc hữu, tức chỉ tìm thấy ở Cát Bà, mà  voọc Cát Bà là một trong những loài đó. Loài thú này, bị nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng, được bảo vệ rất nghiêm ngặt ở Vườn Quốc gia Cát Bà.

Một trong những câu chuyện điển hình về công tác bảo tồn khó khăn như thế nào được anh Mai Sỹ Luân, cán bộ Chương trình Bảo tồn voọc Cát Bà kể lại. Năm 2012, để di dời 2 cá thể voọc bị cách ly trên một hòn đảo nhỏ về khu bảo tồn ở đảo chính Cát Bà, đoàn di dời 10 người đã phải chia nhau cắt cử trông coi hang voọc đến 10 ngày, rồi sau đó trèo trên vách hang cheo leo đến 15m để đến được chỗ voọc ở. Đặc biệt, để có giấy phép di dời này, Chương trình Bảo tồn voọc Cát Bà đã phải tốn đến 10 năm xin phép.

Trong lúc Hạ Long như cô hoa hậu đăng quang đã lâu, thì Cát Bà như cô gái quê đang ngấp nghé vương miện này. Nhìn vào tấm gương “phẫu thuật thẩm mỹ” quá đà của Hạ Long, những nhà bảo tồn, nhà nghiên cứu vội vã lên tiếng để Cát Bà không đi vào vết xe đổ đó. Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Chương trình con người và sinh quyển UNESCO MAB, nhận định: “Bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình phát triển cân bằng của hệ thống tự nhiên. Để du lịch phát triển bền vững thì cần có cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan văn hóa và cảnh quan về hoạt động giao lưu giữa con người với thiên nhiên”.

Cây cối nhà cửa ở Hạ Long héo úa bám một lớp bụi dày. Những đường cong mỹ miều dọc bờ biển được lấp đầy bởi hàng tấn cát đất nhân tạo, Tuần Châu không còn là đảo nữa vì đã có một con đường nối với đất liền. Diện tích Hạ Long, bao gồm Tuần Châu, tăng thêm 9.000km2, gấp rưỡi diện tích đất liền của tỉnh Quảng Ninh nhờ các công trình lấn biển. Ấn tượng của du khách quốc tế phương Tây về Hạ Long không mấy tích cực, khi có đến 20% bình luận trên TripAdvisor sẽ không quay lại. Xu hướng khách Trung Quốc đến Hạ Long tăng mạnh trong những năm gần đây trong khi khách phương Tây giảm, nhưng chi tiêu trung bình của khách Trung Quốc chỉ bằng 60% khách phương Tây.

“Đó là một nơi tuyệt đẹp và yên bình, có những hang động đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, vì đến từ New Zealand, tôi phát hiện ra hoàn toàn thiếu sự ồn ào của động vật hoang dã, không có chim, cá, không có gì xung quanh ngoài rác nổi trên mặt nước”, Sellarz đã bình luận trên TripAdvisor. Có đến hơn phân nửa khách phàn nàn về việc khai thác quá đà tại Hạ Long, hơn 500 tàu thuyền đua nhau trên cùng một tuyến đường dạo quanh Vịnh, về rác thải, ô nhiễm nước và về khói do những công trình xây dựng tạo ra.

Năm 2017, lượng khách du lịch đến Hạ Long đạt 7 triệu lượt, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế, thu nhập du lịch đạt gần 11.000 tỉ đồng. Lượng khách đến Cát Bà chỉ khoảng 1/3 của Hạ Long nhưng doanh thu thấp hơn nhiều, chỉ đạt 1/10. Rõ ràng, tiềm năng khai thác du lịch tại Cát Bà còn rất lớn.

Phát triển và bảo tồn không loại trừ nhau

Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Philippines đã đóng cửa đảo Boracay nổi tiếng nhằm giúp quần đảo này khôi phục lại hệ sinh thái bị biến đổi nặng nề do ô nhiễm vì khai thác du lịch. Thái Lan cũng lên kế hoạch hạn chế số lượng du khách để bảo vệ các công viên quốc gia. Những cam kết phát triển du lịch bền vững của các quốc gia trên đã góp phần giúp họ có nền du lịch phát triển, với chi tiêu trên mỗi du khách đến Philippines hơn 30% khách đến Việt Nam, thậm chí khách đến Thái Lan còn chi tiêu gấp đôi.

Đối với nhiều người nước ngoài yêu thích du lịch mạo hiểm, địa hình Cát Bà – Hạ Long đáp ứng nhu cầu này. Tuy leo núi mạo hiểm tại Khu du lịch Cát Bà phát triển mạnh từ những năm 2005-2006, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dự án quy mô, tầm cỡ để du khách được tiếp cận dịch vụ có điều kiện tốt nhất, từ an toàn đến bảo hiểm. Hơn thế, dự án sẽ tạo được việc làm, cải thiện đời sống cho người dân địa phương bằng cách cung cấp các dịch vụ đi kèm như nơi lưu trú, ăn uống, chuẩn bị trang phục và dụng cụ leo núi.

“Du khách đến Việt Nam, đặc biệt Cát Bà là vì vẻ đẹp riêng của địa điểm này. Sự độc đáo về đa dạng sinh học, động thực vật đặc hữu và địa hình thì họ chỉ có thể tìm thấy ở nơi đây”, ông Neahga nhận định.

Mục đích cuối cùng của địa phương khi làm du lịch chỉ quy về hai điều: tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và tăng nguồn thu ngân sách. Có nhiều cách để giải quyết bài toán này chứ không phải chỉ có cách san núi, lấp biển và mang bê tông đi lấp khắp nơi.

Phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm, khám phá và nhắm đến phân khúc khách hàng trung cao cấp chính là cách để cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên. Đây là quan điểm của nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Phạm Trung Lương. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình rộng rãi của Giám đốc IUCN Indo – Burma, ông Jake Brunner, ông Neahga và những nhà nghiên cứu khác.

Vẫn còn cơ hội cho ngành du lịch gìn giữ và bảo tồn những tài sản mang tên thiên nhiên còn sót lại đó đây trên khắp đất nước.