Cổ thụ chảy máu

Miền Trung dọc dài 14 tỉnh, đã và đang đối mặt với nạn cổ thụ mất từng ngày. Những vựa cổ thụ ngày đêm rầm rộ tung quân đi khai thác từ Thanh Hóa vào Bình Thuận, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Kiểm lâm biết, nhưng chỉ xử lý hình thức nên cây vẫn đổ, rừng xanh vẫn mất cổ thụ. ThienNhien.Net xin nêu lại vấn đề đã cũ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự này.
Chơi cây… phá rừng!

Sông miền Trung vốn dốc, hung dữ vào mùa mưa bão, cổ thụ dọc những sông này đã mọc hàng trăm năm nay bên bờ, rễ dày, gân guốc, bám chắc vào đất, góp phần giữ đất, chưa kể đến vẻ đẹp của nó với chồi xanh lộc biếc khi xuân đến…

Từ năm 2000, hàng chục hộ dân sinh sống dọc Quốc lộ 1A thuộc xã Phước Minh-huyện Ninh Phước-Ninh Thuận tấn công rừng già trong tỉnh. Họ đi từng nhóm bảy, tám người, lùng cây quý như lộc vừng, cóc da đá, bằng lăng, bồ đề…lâu năm, đào cả gốc rễ, thuê xe chở về, tạo dáng và bày bán dưới dạng cây đại cảnh.

Chúng tôi chứng kiến những cây đa, bồ đề, lộc vừng, mai rừng… đang bắt đầu nẩy lộc sau gần ba tuần lễ được đào tận gốc bốc tận rễ, chủ nhân của nó ra giá từ 5 đến 7,5 triệu đồng/cây. Một số cây lộc vừng cao hơn 5m có giá đến chục triệu. Những cây quý khác do không thích nghi với điều kiện đồng bằng, nên vài tuần sau khi hạ sơn đã chết, cũng được rao bán cho giới tạc tượng gỗ với giá 2,5 triệu đồng.

Thời gian gần đây ào ạt đại lý thu mua cổ thụ từ phía Bắc vào đặt cho các cơ sở thu gom, có bao nhiêu chở bấy nhiêu…, hàng vạn gốc lộc vừng cổ thụ, bằng lăng, bồ đề… đã theo xe ra tận Hà Nội, Nam Định… làm đẹp những trang trại, biệt thự, khu sinh thái, thậm chí qua cả… Trung Quốc. Ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị… hai bên bờ sông, nhiều khoảnh đất bới đào nham nhở dấu vết những gốc cổ thụ bị bứng đi. Đấy chính là mối đe dọa xói lở mỗi mùa lũ lụt. Sông Dinh đoạn cầu Đạo Long I, Ninh Thuận trở thành điểm tập kết của dân săn cổ thụ.

Hàng ngàn gốc cổ thụ bị bứng từ khắp các vùng rừng đưa về đây đợi người mua. Việc săn cổ thụ không chỉ ở Ninh Thuận, Bình Thuận mà còn lan sang phần còn lại của miền Trung. Chúng tôi hỏi chuyện một người chuyên săn cổ thụ, anh cho biết: “Cổ thụ mỗi năm một hiếm, phải băng rừng lội suối mới kiếm được”. Do đặc điểm Ninh Thuận, Bình Thuận là rừng vùng khô hạn, cổ thụ mọc trên núi đá đẹp, dáng độc nên người chơi cả nước ưa chuộng, nhất là dân chơi đại cảnh miền Bắc.

“Liên hiệp xí nghiệp”… cổ thụ

Dọc dài quốc lộ 1A từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là hàng trăm vựa cổ thụ, hình như bao nhiêu cổ thụ trên rừng xanh đã được đội quân săn tìm mang hết về bày ngay mặt tiền như những “xí nghiệp liên hiệp cây” vậy. Ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, thanh niên, ông già cũng sưu tầm cổ thụ, hiệu thuốc bắc cũng kinh doanh cổ thụ vì tiền. Vùng này có Nguyễn Thành Nam, 26 tuổi, vào nghề săn cổ thụ chưa tròn năm nhưng đã gia nhập Hội sinh vật cảnh tỉnh Quảng Nam.

Vườn cây ông Ngô Sinh Khang ở xã Bình Trung huyện Thăng Bình có người định giá 670 triệu đồng, ông không bán vì những gốc lộc vừng, dương cổ thụ, sung… của ông toàn thế độc, ông động viên con cái ra sức hợp tác với đội chuyên đào thuê cây cổ thụ để sưu tầm thêm hàng độc.

Ở Quảng Bình, trước trụ sở UBND xã Sen Thủy, án ngữ vựa cổ thụ hàng trăm gốc, giá vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng một gốc. Chủ tên Dực, thường theo thợ lên rừng đem cây về chăm cho nảy chồi đâm lộc mới bán.

Phan Văn Trường, chuyên săn cổ thụ, cho biết: “Trước đây chỉ tìm những cây nhỏ bán trồng chậu, còn nay phải đi săn cổ thụ. Săn được cây, nhiều khi trừ chi phí, một ngày cũng đút túi vài trăm ngàn đồng”. Miền Trung nổi tiếng khó khăn mà thu nhập cao từ săn cổ thụ đã kéo hàng loạt thanh niên vào cuộc. Giờ đây không ngày nào không có xe Bắc vào, Nam ra chở cây đi.

Để kiếm một cây thế đẹp, theo lời Trường: “Đi hàng chục cây số mới có. Trước đây có một gốc tốt, tốn ít công sức, nay tốn nhiều, phải chặt bỏ nhiều cây con xung quanh, rẽ đường xe lên phá nhiều quá thành ra cũng sợ kiểm lâm bắt. Nhưng nhiều người làm nên cũng liều kiếm ăn”. Chính cái liều ấy đã thành việc tàn sát cây đến chóng mặt.

Điều này chính đầu nậu cây Đặng Văn Quyết gốc Hưng Yên vào Phú Yên lập nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ trước cho biết: “Bây giờ tỉnh nào cũng có người săn cây nhưng giá không giảm, nên thanh niên trai tráng thích lắm. Sức trai làm gì chẳng được. Dọc miền Trung cổ thụ đưa về chen chúc thật ngọt mắt. Tập hợp cổ thụ tại các vựa cây lại sẽ thấy như rừng”.

Quyết nổi tiếng cứng cựa săn cây, Phú Yên hiện có 4 cây sam núi tuổi hàng trăm năm, thế thác đổ, Quyết sở hữu hết, có người ra giá cả chục triệu đồng một cây, Quyết chưa bán. Quyết có nói: “Em vừa xuất 20 gốc lộc vừng giá 5 triệu đồng/cây đi Hà Nội, thế phụ tử cả. Còn một số cây thế “Tam cương ngũ thường” có người ra giá hai chục triệu đồng một cây, em cũng xuất nốt rồi. Tết này về quê cũng nở mày nở mặt với xóm giềng”…

Ăn có nơi, chơi có chỗ

Thú chơi cây đại cảnh phổ biến nhiều địa phương trong cả nước, giúp nhiều người phất lên nhờ kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là từ đây, một bộ phận người chuyên lên rừng, đào cây, trở thành một trong những nguyên nhân mất rừng, ảnh hưởng xấu môi trường sinh thái. Thậm chí còn có tình trạng một số cây cảnh, cổ thụ ở các khu di tích lịch sử, chùa chiền bị kẻ gian đột nhập… đào cả gốc.

Chơi đại cảnh thời buổi kinh tế thị trường là mặt hàng có giá nhưng người xưa đã răn: ăn có nơi, chơi có chỗ. Săn cây ngày càng hủy hoại với quy mô lớn như hiện nay, không bao lâu nữa, miền Trung sẽ bị sa mạc hóa đến cằn cỗi. Một băn khoăn, ở Quảng Trị, việc khai thác mua bán, vận chuyển cổ thụ bị xử phạt nặng nề thì phần còn lại của miền Trung vẫn diễn ra rầm rộ, kiểm lâm lại không xử phạt, có chăng cũng chỉ hình thức. Lời kêu cứu của cổ thụ mỗi ngày càng khẩn thiết.