Theo chân kẻ “ăn rừng”

Có đi thực tế vào tận rừng, mới thấy được tình trạng săn bắt, buôn bán thú rừng hiện nay thật đáng báo động. Thú rừng thì bị tàn sát, còn các quán đặc sản, các sạp buôn bán thịt rừng ngày nào cũng có hàng để bày bán.

“Cuối năm, đang khát hàng, bao nhiêu cũng hết. Bác có đi theo cũng chẳng sao nhưng chỉ đứng ở vòng ngoài thôi, luýnh quýnh mà làm động là mất gạo nhà cháu như chơi đấy!” – L., một thợ “chạy hàng”, một kẻ “ăn rừng” chuyên nghiệp dặn như vậy trước khi cho phép tôi đi theo vào tận cửa rừng Ea Súp gom hàng.
Ăn của rừng…
L. chuyên đi buôn bán thú lẻ của các mối săn rừng ở Buôn Đôn, “nhập” về thành phố. Tôi và L. biết nhau qua vài lần anh ta đem thú đến nhà một ông hàng xóm khá giả để bán… Hôm đó trời mưa, chập choạng tối, L. đánh xe máy từ Buôn Đôn chở một con khỉ nhỏ ra bán cho một tay chơi ở Buôn Ma Thuột đang khát món óc khỉ tươi!
Việc xong đâu đấy, L. gọi điện bảo tôi cứ ở nhà, anh ta mua mồi xuống nhậu, mai đi. Chắc là bán con khỉ được hời lớn, vì tôi thấy L. mua thêm khá nhiều đồ nhậu, mặt thì hớn hở. Khi trò chuyện, L. cho biết: “Con khỉ độc nhỏ thế mà được giá, tớ lãi gần năm trăm ngàn trong hai ngày. Trừ chi phí, mỗi ngày mình cũng kiếm được vài trăm”…
Sáng hôm sau, chúng tôi nhằm hướng Ea Súp kéo ga. Vào quá Ea Bung, rẽ đường đất bắt đầu bụi đỏ mù mịt, tôi chạy sau chỉ biết nhắm cái xe Cup 79 cà tàng, đằng sau có gắn cái lồng sắt nhỏ của L để bám theo.
Đến đoạn chợ Ya Jlơi, L. tấp vào một quán rồi nói: “Làm hớp nước đã, từ giờ tới chiều mình chỉ đi vài mối nên thong thả thôi, mãi chiều tối người ta đi săn về hàng mới nóng giòn”. Nói rồi L. quay qua hỏi chủ quán nước: “Hôm nay thấy “cánh nòng dài” có đi không?”.
“Bọn đó ngày nào chả qua đây. Hôm qua họ bắn được con chồn trắng có đến gần cả chục ký, tôi định lấy cho ông nhưng nó bị thương nặng, sợ nó chết thì đổ nợ…”. Hóa ra, ông chủ quán nước cũng là một “mối” của L. “Có hàng cứ lấy, chiều bọn này lại ra, con gì cũng được, sống chết xài tất!” – L. dặn ông ta
Trưa hôm đó, chúng tôi tới một vùng rẫy thuộc địa bàn xã Ea Jlơi, nhà cửa thưa thớt, nghe nói toàn dân Thanh Hóa di cư vào. Thấy L. vào, ông cụ chủ lán rẫy cười bảo: “Có thịt kỳ đà đánh chén đấy!”. Ông cụ vừa hái rau thơm vừa cho biết, con kỳ đà không lớn lắm, khoảng 1,5kg, mua đã hơn bốn ngày, nó bị thương nặng gần đứt đuôi, đến sáng nay thì ngắc ngoải nên lão phải thịt.
Bữa rượu rôm rả, chủ nhân cho biết: “Thường hàng săn được thì chờ mối vào bán nhưng nếu bị chết thì cứ chén vô tư. Của rừng chứ phải của mình đâu, hả chú?”.
Chiều ra về, gom được 1 con nhím, 2 con rắn hổ mang. L. bảo: “Chắc chắn có hơn 300 ngàn tiền lãi!”.
… rưng rưng nước mắt!
Những người làm nghề buôn bán thú rừng vẫn lấy câu “sinh nghề tử nghiệp” để đe nhau. L. bảo tôi: Cái câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” lắm lúc cứ lởn vởn trong đầu, không xua ra được. Nhiều khi nghĩ, làm thêm kiếm được ít vốn thì chuyển qua nghề khác, chứ cái nghề này, bạc lắm!
Đấy, gương sờ sờ trước mắt chứ đâu. Rồi anh kể: “Tụi tui đi hàng này bỏ xe bỏ hàng chạy lấy người là chuyện thường. Đêm hôm đi lén đi lút cũng cực lắm! Ông H. ngày trước cùng đi với tui, từ ngày chạy kiểm lâm bị tông vào đít xe công nông khiếp đến giờ không dám đi làm nghề này nữa.
Mới tuần trước, thằng T. bỏ xe và bao tải tê tê hơn triệu bạc chạy tắt rừng thoát thân đấy thôi. Lọ mọ trong rừng cả tuần gom được hàng, về qua Buôn Đôn thì phải bỏ của chạy lấy người vì gặp phải Đội kiểm tra liên ngành chặn đường kiểm tra, thế là công cốc! Anh tính, mỗi tháng gặp 2 vụ như thế có phải là mất vốn không?”.
L. còn kể cho tôi một vài vụ khác. Vụ gần đây nhất là vào ngày 29/11/2006. Trần Văn Xuân (hộ khẩu thường trú tại thôn 5 xã Ea Bung, Ea Súp), bị rắn độc cắn chết. Anh Xuân là người chuyên buôn bán thú rừng, là đầu mối gom hàng cho các đầu nậu từ ngoài phố vào lấy.
Chiều hôm ấy, anh qua xã Ya T’Mốt mua 3 con rắn: Một hổ chúa, một hổ mang bành và một cạp nong. Tiền trao cháo múc xong xuôi, trên đường về thì bị một con đớp vào tay. Mọi người vội vàng đưa anh đến bệnh viện nhưng không kịp. Nọc độc đã giết chết anh trên đường đi cấp cứu.
L. còn cho biết: “Tụi tui đi buôn hàng này, rắn rết cắn là chuyện thường. Hai năm trước, ông Xuân cũng từng phải vào viện cấp cứu vì rắn cắn, nhưng lần này thì không qua khỏi. Chắc chắn là con hổ chúa cắn!”. L. chìa cho tôi xem bàn tay đầy sẹo và bảo: “Đến giờ chưa chết vẫn là may!”.
Vẫn biết săn bắt và buôn bán thú rừng là nghề nhiều nguy hiểm, lại bị pháp luật cấm, thế nhưng vẫn có nhiều người vì mưu sinh, vì lợi ích trước mắt mà quên cả tai ương, sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để làm kiếp “ăn của rừng”.
Có đi một chuyến vào tận rừng mới thấy được tình trạng săn bắt buôn bán thú rừng hiện nay ở đây tràn lan đến mức đáng báo động. Có một đội quân chuyên nghiệp vẫn âm thầm tàn sát thú rừng mà chưa bị xử lý. Chính vì thế mà các quán xá đặc sản, các sạp buôn bán thịt rừng ngày nào cũng có hàng để bày bán cho khách.
Tuy vậy, trả lời chúng tôi về vấn đề này, ông Y Rít Buôn Yă, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, cho rằng: Tình hình săn bắt và buôn bán thú rừng trên địa bàn từ đầu năm đến nay đã giảm hẳn so với các năm trước đây. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, kể cả tuyên truyền giáo dục đến xử lý hình sự nên bước đầu có kết quả!