Bảo vệ động vật hoang dã, cần xử nghiêm cả người ăn thịt thú rừng

Khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên cho thấy, khoảng 90% thú rừng bị săn bẫy trái phép tại Việt Nam được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán nhậu ở khu vực thành thị và số lần tiêu dùng thịt động vật hoang dã trung bình lên tới 7 lần/năm/khách hàng.

Hai con khỉ trong tủ đông của nhà tay buôn thú rừng tên Nguyên ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk mà phóng viên Lao Động ghi nhận được.

Chưa có thống kê cụ thể về số lượng động vật bị săn bắt mỗi năm. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và mỗi vụ việc bị lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý cũng chỉ là phần nổi của tảng băng.

Loạt bài “Máu thú rừng vẫn chảy” do phóng viên Báo Lao Động thực hiện trong thời gian dài đã khắc họa bức tranh săn bắt, tàng trữ và tiêu thụ nhiều loại động vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ, cần được bảo vệ khẩn cấp. Đặc biệt, đây là những hoạt động buôn bán công khai nhưng thiếu sự vào cuộc rốt ráo của lực lượng chức năng. Chỉ cần trong vai một người có nhu cầu mua thịt thú rừng, là lập tức được đáp ứng, thậm chí cung cấp với số lượng lớn.

Pháp luật hiện hành có nhiều quy định về xử lý đối với hành vi săn bắt, giết mổ động vật quý hiếm như Luật Bảo vệ và phát triển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp), Luật Đa dạng sinh học, Bộ luật Hình sự và nhiều văn bản hướng dẫn có liên quan… Đáng chú ý là Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25.4.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp có quy định cụ thể mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép động vật quý, hiếm.

Thế nhưng thị trường mua bán thịt thú rừng vẫn có phần nhộn nhịp là do nhu cầu của một bộ phận trong xã hội. Tâm lý thích ăn thịt thú hoang dã vẫn còn phổ biến. Thậm chí đã được nâng lên một mức là trở thành món ăn của nhà giàu, thể hiện “đẳng cấp” cùng những bữa tiệc thịnh soạn, đặc biệt dịp lễ, tết.

Trong khi đó, hành vi tiêu thụ đầu cuối, tức là khách hàng ăn thịt thú rừng lại hầu như chưa có chế tài.

Hạn chế tình trạng săn bắt, giết mổ động vật quý, hiếm thì cần phải có những giải pháp cấp bách chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép những loài động vật này. Đã đến lúc cần có quy định rõ hơn để xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự đối với đối tượng tiêu thụ cuối cùng thì các sản phẩm thịt thú rừng quý hiếm sẽ không còn “đầu ra” và có tính răn đe mạnh hơn.

Từ tháng 3 đến tháng 5.2024, chiến dịch truyền thông giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã “Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” sẽ được triển khai tại nhiều tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng, Quảng Trị và Quảng Bình.

“Ngừng ăn thịt thú rừng” không nên là một khẩu hiệu, một thông điệp mà hành vi ăn thịt thú rừng, sử dụng đồ trang sức, mĩ nghệ từ thú rừng quý hiếm cần xử lý nghiêm bằng những quy định của pháp luật. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng “máu thú rừng vẫn chảy” đang diễn ra.