Hàng triệu người phải di dời nếu nước biển dâng cao

Các quốc gia cần có kế hoạch giúp đỡ hàng chục triệu người dân ven biển tị nạn nếu sự thay đổi khí hậu tiếp tục tàn phá các đại dương. Nước biển đang dâng lên và ngày càng ấm khiến những cơn bão ngày càng có sức tàn phá mạnh hơn, đồng thời, nước bị axít hóa làm rối loạn sự sống của toàn bộ các sinh vật tham gia chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái biển.

Đó là cảnh báo của các nhà khoa học trong báo cáo của Đức tại hội nghị của LHQ về thay đổi khí hậu toàn cầu. Theo ý kiến của GS Stefan Rahmstorf : “Về lâu dài, mực nước biển tăng chính là hậu quả nghiêm trọng nhất do hiện tượng hiệu ứng nhà kính gây ra đối với con người “. Bản báo cáo này nhận định, khí hậu nóng lên sẽ làm băng tan và mực nước biển dâng cao. Do đó, các quốc gia phải chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng “rút lui” khỏi những khu vực nguy hiểm, ví dụ như những vùng đất thấp hơn mực nước biển, một số nơi của Bangladesh và thậm chí cả bang Florida của Mỹ.

Một báo cáo của nhóm các chuyên gia cố vấn LHQ đã dự đoán mực nước biển sẽ dâng lên 88cm trong giai đoạn 1990 – 2100.
Các nhà khoa học Đức cho biết tình hình ngày càng tồi tệ do những cơn bão lớn cộng hưởng bởi bề mặt nước biển ấm dần lên có tần suất ngày càng tăng. Điều này có nghĩa là những người dân tại vùng biển sẽ phải lánh nạn khỏi nơi họ sinh sống.

Rất nhiều thành phố lớn nhất thế giới từ Tokyo đến Buenos Aires nằm gần bờ biển. Một số quốc gia giàu như Hà Lan có thể xây dựng những con đập cao hơn mực nước biển, nhưng với những nước nghèo, nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi là khó tránh khỏi.

Quốc đảo Tuvalu nằm dưới mực nước biển Thái Bình Dương đã ký thỏa thuận với New Zealand đồng ý để nước này tiếp nhận một nửa trong tổng số 10.000 dân của họ đến làm việc trong ngành nông nghiệp của New Zealand nếu xảy ra sự cố Tuvalu bị nước biển dâng ngập.

Sức mạnh bão lốc

Tuy không chứng minh được những vùng biển ấm hơn thì có bão nhiều hơn, nhưng Giáo sư S.Rahmstorf lại khẳng định về mối liên quan rất rõ ràng giữa nhiệt độ tăng cao và sức mạnh của bão lốc. “Kể từ năm 1980 đến nay, chúng tôi đã chứng kiến sức mạnh của bão tăng tới mức khó lường tại vùng Đại Tây Dương”

189 quốc gia đã nhóm họp tại Kenya để tìm kiếm một thỏa thuận toàn cầu nhằm đối phó với sự thay đổi khí hậu. Thỏa thuận này tập trung vào việc cắt giảm hàm lượng carbon điôxít phát thải từ ngành công nghiệp và xã hội hiện đại.

Hội đồng Tư vấn Thay đổi Khí hậu Toàn cầu của Đức, tác giả của bản báo cáo, cho biết có khoảng 1/3 lượng khí CO2 được các đại dương hấp thụ, chính vì vậy mà các đại dương ngày càng bị axít hoá nhiều hơn. Nếu tình hình này không được chặn đứng, rất có thể nó sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh vật biển và cả những cư dân sống phụ thuộc vào biển cả.

Những rặng san hô nơi thu hút các loài cá và bảo vệ bờ biển khỏi bão tố và sự xói mòn cũng bị quá trình axít hóa đe dọa. Giáo sư S. Rahmstorf cảnh báo đến năm 2065, san hô có thể sẽ không còn tồn tại do bị khí thải CO2 phá hủy. “Hiện tượng axít hóa là mối đe dọa chính đối với những rặng san hô”. Khi nước ấm lên các loài tảo nhỏ vốn sống gắn với san hô, cung cấp dinh dưỡng và tạo màu sắc cho chúng sẽ bị mất đi. Vì vậy, san hô sẽ trở nên trắng bệch và chết.