Truy cập miễn phí báo chí môi trường

Một sáng kiến mới cho phép các nhà khoa học ở các quốc gia đang phát triển truy cập miễn phí vào hơn 1.000 trang tin điện tử về môi trường nhằm giảm bớt khoảng cách về thông tin giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Thông qua chương trình Truy cập mạng để nghiên cứu về môi trường (OARE) do Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) và đại học Yale (Hoa Kỳ) khởi động từ ngày 30/10/2006, các nhà khoa học của châu Phi, châu Á và Mĩ La tinh có thể truy cập vào hơn 1.000 trang tin khoa học khác nhau. Theo đó, 70 quốc gia có tổng sản phẩm quốc dân (GNP) bình quân đầu người dưới 1.000 USD sẽ được truy cập miễn phí vào các tạp chí này.

Đến năm 2008, chương trình OARE dự kiến sẽ mở rộng thêm cho 37 quốc gia khác có GNP bình quân từ 1.000-3.000 USD và các tổ chức tại các quốc gia này sẽ phải trả 1.000 USD/năm để được tham gia chương trình.

Sáng kiến này cho phép hơn 1.200 tổ chức công và tổ chức phi lợi nhuận truy cập vào các trang tin khoa học và kĩ thuật về công nghệ sinh học, thực vật học, thay đổi khí hậu, sinh thái học, năng lượng, hoá môi trường và các nghiên cứu về môi trường, trong đó có cả kinh tế môi trường. Đó là một cơ hội để các tổ chức môi trường ở các quốc gia đang phát triển tiếp cận với nguồn tài nguyên trí tuệ.

Tuy nhiên, một số nhà môi trường cho rằng chương trình mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu truy cập mạng miễn phí được đưa ra trong tuyên bố Berlin (2003), trong đó 180 tổ chức yêu cầu được phép truy cập các dữ liệu khoa học.

Chưa hết, vì có những cảnh báo về việc OARE có thể tạo ra một hệ thống chuyện biệt và gây khó khăn cho những nhà khoa học đang làm việc tại những tổ chức không được liệt kê trong sáng kiến. Phát biểu với tạp chí SciDev.Net, ông Donat Agosti, cộng tác nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mĩ nói: “Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn muốn nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Kenya? Bạn sẽ không thể làm được gì nếu bạn không thuộc biên chế của những tổ chức đã nêu trong dự án”.

Ông Tom Moritz, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Getty (Hoa Kỳ) cũng thừa nhận rằng có rất nhiều nhà nghiên cứu sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu họ không được tham gia vào những tổ chức quan trọng đáp ứng yêu cầu của dự án.

Giải thích về những khúc mắc nêu trên, điều phối viên Paul Walberg của OARE nhấn mạnh rằng tất cả các tổ chức phi lợi nhuận địa phương, các tổ chức xã hội, văn phòng chính phủ, các viện nghiên cứu, trường học, các trường cao đẳng, đại học dù với quy mô lớn hay nhỏ đều được tham gia dự án.

OARE sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững với chương trình HINARI (Tiếp cận mạng toàn cầu những sáng kiến nghiên cứu về sức khoẻ) của tổ chức Y tế thế giới và chương trình AGORA (Tiếp cận trực tuyến về nông nghiệp) của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc. Các chương trình này có mục tiêu là cung cấp những thông tin nghiên cứu miễn phí hoặc với chi phí thấp cho các tổ chức nghiên cứu về nông nghiệp và y tế của các nước đang phát triển.