Nhà máy xử lý rác phun mùi… rác thối

Buộc phải ở lại để chờ được đền bù giải toả, 90 hộ dân xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bấm bụng sống trong không gian đặc quánh mùi khăn khẳn toả ra từ Khu liên hợp Xử lý Chất thải rắn Đa Phước.

Anh Đỗ Kim Lang – Trưởng ấp 1 xã Đa Phước cho biết, khu ấp 1 có khoảng 300 hộ dân nằm trong diện đến bù giải toả. Nhưng 3 – 4 năm nay, vẫn còn hơn 90 hộ dân chưa được đền bù và vẫn sống trong tầm ảnh hưởng nặng của khu rác Đa Phước.

“Dân chưa di dời hết mà khu rác Đa Phước đã hoạt động. Khu xử lý rác gây mùi hôi không kém khu chôn lấp rác Đông Thạnh, Hóc Môn. Gió hướng đông bắc còn đỡ, chứ gió hướng đông nam, cả khu ấp 1 cho đến phía bên kia xã Phong Phú còn ngửi thấy mùi hôi thối của rác. Đặc biệt, khu cầu Xóm Rượu, giáp ranh với khu rác Đa Phước, gần như hàng giờ phải chịu mùi hôi, ruồi và muỗi” – anh Lang nói.

Còn anh Nguyễn Tấn Chung, một chủ tiệm tạp hóa ở Ấp 1, bức xúc: Mùi hôi thối nồng nặc nhất là lúc nhập rác. Nhà tường còn đỡ hơn một chút, chứ nhà mái tôn thì mỗi khi gió lùa xuống, thật chịu không nổi. Thậm chí có hôm, anh Chung phải đeo khẩu trang đi ngủ, còn vợ của anh sử dụng dầu xanh đến nỗi đỏ rát cả da mũi.

“Chúng tôi chẳng có chỗ để đi, nên hàng ngày phải chịu đựng. Phân thải tại các khu nuôi bò, nuôi heo có mùi gắt nhưng nhanh. Chứ ở đây, mùi hôi của các loại rác cũ cứ khăn khẳn, chua chua, dai dẳng đến khó chịu” – anh Chung cho biết.

Ông Nguyễn Tấn Mỹ – Phó chủ tịch UBND xã Đa Phước – huyện Bình Chánh cho biết, khu rác Đa Phước bắt đầu hoạt động, cũng là lúc người dân đã phản ánh về mùi hôi thối. Cho đến giữa tháng 12/2007, khi mà mỗi đêm khu Đa Phước tiếp nhận khoảng 3.000 tấn/đêm, khiếu nại từ người dân ngày càng nhiều.

Để tránh việc khiếu nại tập trung, UBND xã Đa Phước đã kết hợp với phòng Tài nguyên – Môi trường và Cảnh sát Môi trường của huyện Bình Chánh xuống kiểm tra khu rác Đa Phước.

“Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, bãi xử lý rác Đa Phước thật sự có bốc mùi hôi. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng không đảm bảo. Các thiết bị xử lý rác và nước thải chưa được trang bị đầy đủ. Thậm chí hàng lang cây xanh dùng để cách ly bớt mùi hôi cũng chưa được trồng xong,” ông Mỹ nói.

Ông Mỹ còn cho biết thêm, mùi hôi của rác bay tương đối xa theo hướng gió. Ngoài khu ấp 1 và ấp 2 là khu chịu ảnh hưởng trực tiếp, người dân ở cầu ông Thìn, cách 2km về phía Tây Nam bãi rác Đa Phước, phải sống chung với mùi hôi thối, ô nhiễm.
“Thậm chí hôm nào nếu gió thổi ngược, khu Phú Mỹ Hưng thoáng rộng, nhiều nhà cao tầng, nên người dân ở đó cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng” – ông Mỹ nói.

Tuy nhiên, theo ông Mỹ, trước khi vào khu xử lý Đa Phước, rác từ các trạm trung chuyển không được xử lý nên mùi hôi thối, nước rỉ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân địa phương. Ông Mỹ cho rằng việc này không nằm trong tầm quản lý của khu rác Đa Phước.

Sau cuộc kiểm tra đó, cuối tháng 12/2007, đầu tháng 01/2008, UBND xã Đa Phước đã mở một cuộc họp để bàn cách giải quyết. Tuy nhiên, không biết do thư mời bị thất lạc hay không đến được, đại diện của Sở Tài Nguyên Môi trường và Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM đã không có mặt.

Các xe chở rác đến khu xử lý rác Đa Phước bắt đầu hoạt động từ 5 – 6 giờ chiều cho đến 5 – 6 giờ sáng hôm sau. Với 3.000 tấn rác mỗi đêm, ước tính 300 xe 10 tấn hoạt động liên tục trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Nghĩa là trung bình mỗi giờ, một đoàn xe chở rác gồm 25 xe.

3.000 tấn rác chạy từ ngã tư Nguyễn Văn Linh đến quốc lộ 50 để về đến khu xử lý rác Đa Phước. Sau đó, đoạn đường từ quốc lộ 50 vào đến khu xử lý rác Đa Phước dài 1,5km, hàng đoàn xe rác xếp hàng chờ vào khu xử lý. Mặt đường dần đổi màu. Không gian quánh đặc mùi hôi từ rác, từ nước rỉ rác.

Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước – xã Đa Phước, huyện Bình Chánh do Công ty Vietnam Waste Solution làm chủ đầu tư, có tổng diện tích gần 614 ha, gần gấp rưỡi khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Nhưng khu liên hợp xử lý chất thải rắn chỉ có 128ha, khu xử lý bùn cống rộng 40 ha còn nhà máy xử lý chất thải hầm cầu là 9,4ha.