Đồng bằng Sông Cửu Long: Điêu đứng vì cá chết


“Năm vận, tháng hạn”

Tại hầm cá tra của anh Trương Văn Sang nằm ven vàm kênh xáng Vịnh Tre thuộc tổ 2, ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, An Giang, 3-4 người trong gia đình anh đang hì hụt cầm vợt hớt từng con cá chết nổi lều bều trắng xóa trên mặt nước.

Một người trong gia đình anh cho biết, cá bắt đầu chết từ ngày 31/12/2006 đến nay, mỗi ngày vớt được khoảng 70–80 kg cá chết. Những con cá chết còn chìm dưới đáy ao thì không thể thống kê được.

Ao nuôi của anh Sang ước sản lượng cá khoảng 45 tấn, dự kiến 2 tuần nữa sẽ thu hoạch. Nhưng bỗng dưng cá chết hàng loạt dù đã cho ăn thuốc.

Đi sâu vào ngọn con kênh xáng Vịnh Tre có rất nhiều hộ sinh sống bằng nghề nuôi cá tra lâu đời cũng trong tình trạng tương tự. Gia đình anh Lữ Văn Út Em, Nguyễn Văn Tư ở tổ 3, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phú (Châu Phú) cá đều sắp thu hoạch cũng chết từ vài trăm con đến cả ngàn con trong một ngày đêm.

Men theo quốc lộ 91, từ TP. Long Xuyên đến huyện Châu Phú chúng tôi hỏi thăm những hộ có nuôi cá tra số lượng lớn, ai nấy đều có câu trả lời chung là “cá hao nhiều lắm, chưa năm nào giống như năm nay”.

Vùng nuôi trồng thủy sản lớn của huyện Châu Thành trên đất bãi bồi ven sông Hậu thuộc thị trấn An Châu cũng bị thiệt hại không biết cơ man nào kể.

Đâu đâu cũng nghe bà con bàn tán về chuyện cá tra nuôi bị chết một cách thê thảm. Nhiều ngư dân chặc lưỡi, tiếc nuối giá cá tra đang tăng cao như thế mà không có cá bán thì quả là “năm vận tháng hạn”.

Đến vùng nuôi cá tra lớn nhất huyện Phú Tân là 2 xã Phú Bình và Hòa Lạc thì cảnh tượng nơi đây càng thê thảm hơn. Những ao nuôi ven sông Hậu này chỉ còn lưa thưa những chú cá ngoi lên đớp, không dính chùm tranh mồi như ngày thường.

Ao nuôi của anh Lý Công Trường ở tổ 11 thì chết cả ngàn con, đến giờ vẫn còn lai rai chết chưa ngưng hẳn. Ao nhà anh Chiêm Hán Phú ở tổ 22, ấp Hòa Bình thì cá đang chết rộ, xác cá nổi lều bều thành từng lớp.

Với vẻ mặt thiểu não, anh Phú than: “Cá đã đạt 2 con/ kg, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là bán được rồi, chết kiểu này tôi chẳng biết tính sao. Tôi theo nghề nuôi cá tra đã 7-8 năm nay rồi, năm nào nuôi cũng đạt chất lượng tốt nhất vùng này, vậy mà bây giờ… Tôi thả 24.000 con, chỉ trong 3 ngày cá chết trên 2.000 rồi. Cá vẫn đang giẫy chết, tiền thuốc men tốn không biết bao nhiêu vẫn không trị nỗi”.

Anh Trần Hữu Nghị ở ấp phú Thạnh A, xã Phú Thuận A (Hồng Ngự), cho hay, 90% dân cư sống trong xã Phú Thuận A đều sinh sống bằng nghề lai tạo, uơm nuôi và nhân giống cá tra cung cấp cho thị trường nhiều tỉnh.

Vậy mà, trừ những lứa cá tra bột mới nở ra thì số cá bột dưỡng lên phân đều chết thê thảm. Theo anh Nghị, tính sơ bộ chỉ trong xã Phú Thuận A đã có trên 30 cơ sở ươm cá tra giống mà nhà nào cũng bị thiệt.

Không riêng gì ở 2 xã chuyên làm nghề ươm nuôi cá giống lớn nhất tỉnh Đồng Tháp có cá con bị chết mà nó còn lan sang các xã lân cận của huyện Thanh Bình. Hộ nào cũng bị thiệt hại cả trăm triệu đồng.

Ngư dân tỉnh Cần Thơ cũng đang khốn đốn vì cá chết dịch. Mặt hồ váng vàng hoe, vôi bột rải sát trùng quanh quanh bờ hồ trắng xóa.

Bán tháo cá chết

Vì dịch bệnh tán phát rất nhanh và đột ngột nên bà con ngư dân không kịp trở tay, trong một đêm ngủ sáng thức ra đã thấy ao cá chết trắng mặt nước. Các hộ đua nhau gọi mối hàng đến bán tháo hoặc đào hố chôn xác cá hoặc lấy làm mồi cho cá chim, cá lóc ăn. Một số nơi, cá chết với số lượng lớn người dân chẳng muốn bán vì chẳng được bao nhiêu mà còn hao sức.

Cá sắp thu hoạch mới chết được mua với giá 2.000 đồng/ kg, cá chết hơn một ngày chỉ còn bán được 500 đồng/ kg. Dưới các con kênh san sát ghe cặp bến thu mua cá chết. Trên các con lộ nông thôn thì xe máy, xe ba gác và tải nhẹ cũng đến mua vận chuyển đi bán cho các ao nuôi cá lóc, cá chim trong vùng.

Chị Lê Thị Thu, người hành nghề thu mua làm thức ăn cho cá, cho biết: “Tôi đã làm nghề này được 3 năm nay, mấy năm trước đâu có cá chết dữ dội vậy. Trước đây bình quân một ngày tôi gom mua được chừng 200 kg cá tra chết. Mấy ngày nay, ngày nào cũng mua trên 1 tấn cá mà còn không có đủ tiền mua thêm”.

Nhiều hộ bỏ đại cho trẻ con trong xóm đến “hôi” mang đi bán khắp nơi. Người già cũng vớt cá chết bán còn được chủ áo cám ơn. Nhiều nơi, xác cá được vứt thành đống trên bờ ao, mặc cho dòi bọ đục khoét, ruồi bâu.

Cá chết do ô nhiễm nguồn nước

Sáng ngày 3/1, ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở thủy sản An Giang cho biết chuyện cá tra chết rơi trúng vào thời điểm này không có gì là ngạc nhiên. Vì đây là thời điểm mà ngành thủy sản thường khuyến cáo ngư dân phòng tránh dịch bệnh.

Thông thường, trong một năm sẽ có 2 giai đoạn nguy hiểm mà người nuôi cá tra cần quan tâm, đó là vào khoảng tháng 7 và tháng 12.

Vì trong khoảng tháng 7 là nước lũ bắt đầu lên (nước quay) điều kiện về môi trường sẽ có sự thay đổi lớn, dễ gây sốc cho cá nuôi, nếu cá giống không được chọn lựa kỹ càng thì thả xuống sẽ bị hao hụt. Còn thời điểm tháng 12 là giai đoạn nước lũ rút, các chất thải từ đồng ruộng như thuốc bảo vệ thực vật và nhiều tạp chất khác sẽ ra sông, kênh, rạch làm thay đổi môi trường nước dễ gây chết cá nếu người dân bơm vào hầm. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh trên cá đa số đều do môi trường nước gây ra.

Cách phòng tránh chủ yếu hiện nay là vào 2 giai đoạn trên ngư dân cần: đưa vôi bột hoặc pha muối và một số chất khử trùng không cấm sử dụng, với tỷ lệ theo khuyến cáo cho vào ống cống để khi bơm nước vào ao chúng hòa lẫn và làm sạch nước.

Vôi có thể làm cho độ PH (độ chua) của nước giảm xuống đến mức vừa phải, giúp cá tránh được một số bệnh nhiễm khuẩn hay bị tuột vẫy. Một số chất khác giúp xử lý vi tảo làm bẩn nguồn nước. Nếu làm theo đúng khuyến cáo như thế chắc chắn bệnh trên cá sẽ giảm đáng kể và ít gây thiệt hại cho ngư dân.

Bệnh gan, thận có mủ ở cá cũng bắt nguồn từ nguyên nhân môi trường nước chưa được xử lý đúng. Ao nuôi phát sinh các dạng xáng lá, ký sinh trùng đeo bám và theo đường mang cá đi vào ruột rồi phát tán qua các bộ phận trong nội tạng cá như: gan, thận gây chết cá. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được khuyến cáo sử dụng và cho hiệu quả tốt trong việc phòng và trị bệnh trên con cá tra.

Hiện chưa có thống kê về số lượng cá bị thiệt hại trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh An Giang.