"Ngân hàng gene khu vực" sẽ có ở Việt Nam.

Tại Hội nghị Công nghệ sinh học sinh sản châu Á lần thứ 3 vừa qua, Việt Nam công bố đã thành công trong việc nhân bản vô tính phôi một số loài động vật cấp cao. Việc thành lập một ngân hàng gene động vật vào năm 2007 cũng đang được khởi động.
 
Tuy còn khiêm tốn, nhưng trong điều kiện làm khoa học ở Việt Nam, đó là những tín hiệu vui rất đáng khích lệ. Đã đến lúc, chúng ta cần một chiến lược phát triển hiệu quả hơn cho ngành khoa học rất quan trọng này.

Ngân hàng này nhiều khả năng sẽ được thành lập tại Việt Nam vào năm 2007, trước hết nhằm lưu trữ gene các loại động vật quý hiếm, TS Bùi Xuân Nguyên – Trưởng phòng Công nghệ phôi, Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) – cho biết.

Thưa ông, đối tượng lưu trữ được ưu tiên số 1 của của ngân hàng gene này hẳn phải là những động vật có nguy cơ tuyệt chủng?

– Ngân hàng sẽ lưu trữ gene của tất cả các động vật quý hiếm gồm cả động vật hoang dã và động vật nuôi. Ví dụ, những loài có nguy cơ tuyệt chủng như sao la, hoặc cho hiệu quả kinh tế cao như lợn rừng, bò Mông…

Với trình độ và tốc độ phát triển của công nghệ sinh học nói chung và công nghệ sinh học sinh sản nói riêng như hiện nay, việc lưu trữ này không chỉ hướng đến mục đích giữ gìn sự đa dạng của sinh học, mà hy vọng còn mở ra những triển vọng ứng dụng trong y học, vì thiên nhiên chính là một nguồn dược liệu rất quý giá.

Hơn nữa, nó có thể mở ra một phương hướng nâng cao đời sống của bà con ở những địa phương thuộc các khu bảo tồn đa dạng sinh học, giúp bà con vượt qua được hoàn cảnh “hoặc phá rừng, hoặc đói”. Dự án này của chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ nhiệt thành của các nhà khoa học.

Giáo sư Võ Quý – nhà bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học tiên phong của Việt Nam – đã tâm sự, đây chính là mơ ước của ông suốt hơn 20 năm nay mà vẫn chưa thực hiện được.

Song với điều kiện như hiện nay, liệu việc thành lập ngân hàng gene khu vực ngay năm tới có phải là quá mơ mộng?

– Không đâu, đó là một mơ ước rất thực tế. Cho đến nay sau nhiều năm nghiên cứu phát triển công nghệ bảo quản lạnh, công nghệ sinh sản và sau 2 năm tổ chức tập huấn, hội thảo quốc gia và khu vực, chúng tôi đã chuẩn bị và hoàn tất các điều kiện về công nghệ, chuyên gia, mạng lưới cộng tác quốc gia và khu vực.

Hiện tại chúng tôi đã có một ngân hàng mini ở -1960, chứa các mẫu vật tinh, trứng, tế bào sinh dưỡng và phôi của các loài sao la, mang lớn, bò rừng, lợn mini, hươu, gấu… có thể dùng để tạo ra phôi thụ tinh ống nghiệm hay nhân bản vô tính. Đã có những kết quả cấy phôi dê được bảo quản trên 12 năm, tạo ra phôi khoẻ mạnh từ tế bào thu được sau khi sao la đã chết.

Với sự tham gia của hơn 40 vườn quốc gia tại Việt Nam và nhiệt tình hợp tác giúp đỡ của nhiều nhà chuyên gia và tổ chức khoa học có uy tín trên thế giới trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, mọi điều kiện cần thiết nhất đã được chuẩn bị.

Điều cần nhất bây giờ chỉ còn là sự ủng hộ của Nhà nước đầu tư ở mức độ vừa phải cho việc xây dựng cơ bản và nối kết để có địa điểm ngân hàng cho phép triển khai hoạt động bao gồm cả phần công nghệ trong phòng thí nghiệm và phần cứu hộ, phục hồi thích nghi động vật để trả lại cho tự nhiên.

Theo ông, mục tiêu “Năm 2010 phổ cập sinh sản vô tính trong chăn nuôi” liệu có khả thi?

– Quả thật, ý tưởng này có được nêu ra như là một trong những mục tiêu trong “Kế hoạch 1.000 tỉ đồng cho công nghệ sinh học” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là một điều không thể thực hiện. Ngay cả ở những nước phát triển trên thế giới, tỉ lệ thành công trong sinh sản vô tính chưa cao, mới chỉ ngấp nghé 10%. 

Ở Nhật Bản, tỉ lệ này cũng mới chỉ vừa đạt mức gần 40% đối với động vật phòng thí nghiệm như chuột. Vì vậy, phương pháp này vẫn chủ yếu được dùng với mục đích bảo vệ những loài quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng, và ứng dụng trong y học.

Đối với vật nuôi, việc ứng dụng các công nghệ cao như nhân bản vô tính chỉ nên khu trú trên các đối tượng con giống đặc biệt. Ngoài ra, ở Việt Nam, ngành này còn rất mới mẻ, (hiện nay chỉ có một phòng nghiên cứu của chúng tôi có kết quả nhân bản vô tính), và chưa được chú trọng đầu tư.

Vậy, cần đầu tư cho lĩnh vực này như thế nào để hiệu quả nhất?

– Cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa có chương trình đầu tư nào cho nhân bản vô tính. Hơn 90% thiết bị chúng tôi đang có là từ đầu tư của hợp tác với nước ngoài. Chúng tôi cũng đang chịu chung những khó khăn của các nhà khoa học Việt Nam, đó là một cơ chế làm việc không đồng bộ, cản trở nhiều những sáng tạo khoa học.

Để việc đầu tư cho khoa học công nghệ có hiệu quả, nhất là với nguồn kinh phí ngày càng lớn như hiện nay, Nhà nước nên trao trách nhiệm cho những chuyên gia xứng đáng cả về tài lẫn đức, thậm chí nếu cần có thể thuê chuyên gia nước ngoài làm chủ trì. Hiện nay, nhiều đề tài, dự án vẫn không giao đúng người đúng chỗ có năng lực và bị chi phối rât nhiều bới những quan hệ chủ quan, ở mức cá nhân hay cơ quan, bộ, ngành.

Xin cảm ơn ông.

 
Một số kết quả nghiên cứu mới:
– Đã xây dựng các quy trình đồng bộ về nhân bản vô tính phôi động vật bậc cao trên cơ sở sử dụng tế bào dinh dưỡng, nguồn trứng loại nhân và các điều kiện phòng thí nghiệm tại chỗ.

– Lần đầu tiên tại Việt Nam đã tạo phôi nhân bản từ tế bào dinh dưỡng của bò sữa giống Hà – Ấn, phôi bò tót hoang dã.

– Đã tạo ra phôi sao la nhân bản đầu tiên ở Việt Nam và trên thế giới.
– Đã có đủ điều kiện công nghệ để tạo ra bê nhân bản đầu tiên ở Việt Nam.

(Công bố của Phòng Công nghệ phôi – Viện Công nghệ sinh học-  tại Hội nghị Công nghệ sinh học sinh sản châu Á lần thứ 3 vừa được tổ chức tại Hà Nội).