Bảo tồn voi Đồng Nai: Rào điện không phải giải pháp lâu dài?

Dự án khẩn cấp bảo tồn voi Đồng Nai đang cho thấy những hiệu quả tích cực khi giảm thiểu tối đa xung đột giữa người và voi.

Với việc xây dựng 50km rào điện ngăn cách voi rừng với khu dân cư và nhiều nội dung quan trọng khác, Dự án khẩn cấp bảo tồn voi Đồng Nai đang cho thấy những hiệu quả tích cực khi giảm thiểu tối đa xung đột giữa người và voi. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, để bảo tồn voi hiệu quả thì quan trọng nhất là khôi phục sinh cảnh cho voi sinh sống và xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người với voi.

Voi ngà lệch – voi đầu đàn xuất hiện gần rẫy của người dân.

Dự án khẩn cấp bảo tồn voi đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã; khôi phục và bảo vệ nguồn gen quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa xung đột giữa voi và người… góp phần bảo tồn các quần thể voi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Hiệu quả rõ rệt

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, qua điều tra đã xác định được đàn voi có 16 cá thể thuộc 1 đàn, chia thành 2 nhóm, phân bố khá rộng, di chuyển khoảng 20 đến 30km/ngày trong diện tích hơn 42.600 héc-ta thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn Thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai và Lâm trường La Ngà.

Trước đây, tình trạng xung đột giữa người và voi thường xuyên xảy ra do nhiều diện tích canh tác các loại cây trồng của người dân nằm trong khu vực voi sinh sống, kiếm ăn khiến hoa màu bị voi phá hoại, thậm chí tấn công người. Tuy nhiên, từ khi dự án bảo tồn voi được triển khai, xung đột giữa voi với người đã giảm rõ rệt. Nhờ đó giá trị kinh tế của các diện tích đất canh tác đã được tăng lên, nếu như trước đây 1 ha xoài chỉ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng thì hiện nay đã tăng lên 60 đến 80 triệu đồng.

Nhiều diện tích cây trồng của người dân bị voi phá.

Ông Đặng Văn Trên, nông dân trồng xoài ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu cho hay: “Trước đó, voi về phá xoài rất dữ, thiệt hại lớn. Cây mía, mì hay bất kỳ cái gì voi cũng phá được.Từ khi có hàng rào tới nay, đã giảm thiểu đáng kể thiệt hại, dân đỡ khổ hẳn”.

Một trong những nội dung quan trọng của dự án là xây dựng hàng rào điện ngăn cách môi trường sống của voi với khu dân cư. Hàng rào đã được xây dựng với chiều dài 50km, bao quanh Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, qua địa phận các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), Thanh Sơn (huyện Định Quán) và Đắc Lua (huyện Tân Phú).

Hàng rào cao 2,2m, cố định bằng các cọc bê tông và căng hệ thống lưới điện với điện thế từ 4,5 đến 14kV, sử dụng nguồn điện mặt trời. Hàng rào này có tác dụng ngăn voi không đi vào khu vực sinh sống và canh tác của người dân nhưng không gây nguy hiểm với người. Từ khi đưa vào sử dụng, việc voi xuất hiện tấn công, phá hoại hoa màu của người dân đã giảm rõ rệt.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, dù vẫn còn khoảng 20km hàng rào ở khu vực xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) chưa được xây dựng, song dự án mang lại những hiệu quả tích cực.

Ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai nói: “50 km hàng rào điện bước đầu cho kết quả rất tốt. Voi không vượt qua được hàng rào, tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực có hàng rào được bảo vệ. Nếu như chúng ta xây được kín đoạn hàng rào còn lại thì sẽ bảo vệ được một vùng khá rộng lớn khoảng 16.000 héc-ta và 39.000 nhân khẩu”.

Chung sống với voi

Hàng rào điện bước đầu đã cho kết quả tốt, giảm thiểu xung đột giữa người và voi. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng hàng rào điện cũng có thể tạo ra những tác động tiêu cực, làm thay đổi tập tính của loài. Do đó, về lâu dài cần có các giải pháp bền vững, đặc biệt cần quan tâm đến việc tái tạo sinh cảnh cho loài voi.

Cán bộ kiểm lâm giới thiệu về hàng rào điện cách ly voi rừng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Thanh Hải, trường Đại học Lâm nghiệp nói: “Một trong những nguyên nhân sâu xa của việc voi xung đột với con người đó là nó bị mất sinh cảnh, các sinh cảnh của voi bị chia cắt. Do đó, chúng ta phải làm sao để phục hồi các sinh cảnh, để tạo ra hành lang sinh cảnh tốt nhất cho voi có thể di chuyển, vì voi là loài di cư. Ngoài ra, chúng ta phải tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân để làm sao sống chung với đàn voi này”.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cũng cho rằng, để bảo tồn voi thì việc quan trọng và cần thiết phải xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa người và voi. Làm sao để chính những người dân trong khu vực là người bảo vệ voi, chung sống với voi.

Dự án khẩn cấp bảo tồn voi Đồng Nai giai đoạn 2014 – 2020 mới đi được nửa thời gian, bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Dù vậy, ngành chức năng sẽ còn nhiều việc phải làm để vừa bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã nhưng đồng thời vẫn đảm bảo đời sống, hoạt động sản xuất của người dân trong vùng.