“Kyoto mới” ở châu Á

Sau nhiều lần cản trở việc buôn bán khí carbon trong nước, Australia đã tuyên bố sẽ thúc đẩy khuôn khổ thương mại khí carbon rộng khắp châu Á nhằm chống lại sự nóng lên của Trái đất, như là một phần của công ước “Kyoto mới”.

Theo một cuộc thăm dò dư luận, sự thay đổi thái độ hoàn toàn của Australia, một nước đã từng từ chối kí vào nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí nhà kính cho thấy đa số người dân Australia tin rằng chính phủ của họ nên kí vào nghị định thư Kyoto.

Bộ trưởng Môi trường Ian Campbell cho biết: Australia muốn tiến đến một công ước “Kyoto mới” ngoài khối liên minh 6 nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới – Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Australia, Bắc Triều Tiên và Nhật Bản.

Theo ông Campell, xúc tiến trong nước là việc nên làm trước tiên và việc hợp tác rộng khắp châu Á sẽ là buớc tiếp theo để đạt được khuôn khổ toàn diện về hợp tác thương mại carbon toàn cầu. Phát biểu với người dân Australia, ông Campell cho rằng: “Rõ ràng khi Australia trở thành một phần của khuôn khổ Nghị định thư Kyoto, sẽ cần sự tham gia của tất cả mọi thành phần”.

Giáo sư Warwick McKibbin, một uỷ viên trong ngân hàng TW nhận định: khung thương mại carbon toàn cầu sẽ không bao giờ thành hiện thực, trừ khi Australia và các quốc gia phát triển khác đi đầu trong việc triển khai. Theo ông, Australia cần bắt đầu ở mức quốc gia và từ đó mở rộng ra.

Một báo cáo của Anh về thay đổi khí hậu đã đưa ra lời cảnh báo về sự suy giảm môi truờng toàn cầu nếu chúng ta không hành động ngay để chống lại hiện tượng nóng lên của Trái đất. Theo đó, mỗi năm Australia xuất khẩu 233 triệu tấn than, (chiếm gần 1/3 tổng sản lượng than thế giới), tương đương với lượng thiệt hại do thay đổi khí hậu gây ra trị giá 61 tỉ đô la Úc (khoảng 52 tỉ đô la Mĩ).

Thống kê của các nhóm hoạt động môi trường cho thấy, 79% người dân Australia muốn chính phủ bảo thủ của họ kí vào Nghị định thư Kyoto. Chín trong mười người muốn thay đổi việc sử dụng than sang loại năng lượng khác có khả năng tái tạo.

CHUẨN BỊ HÀNH ĐỘNG

Theo Giáo sư Tony Owen (TT Nghiên cứu thị trường năng lượng và môi trường thuộc trường Đại học New South Wales), dường như chính phủ đã được dư luận công chúng khuyến khích xúc tiến các hoạt động về thay đổi khí hậu.

Phát biểu trước các phóng viên Reuter, ông cho biết: Ai đó hoài nghi có thể cho rằng không có dấu hiệu gì cho thấy một số nước trong liên minh châu Á sẽ tham gia vào khuôn khổ thương mại khí carbon và đây chỉ là cách mà người Australia biện hộ – “Ồ, chúng tôi đã cố gắng”.

Nghị định thư Kyoto buộc khoảng 40 nước cho đến tháng 12/2008 phải cắt giảm lượng khí thải ít nhất 5,2% dưới mức năm 1990. Riêng Australia đề xuất mức phát thải cao hơn, ấn định một mục tiêu của Kyoto là lượng khí phát ra tối đa là 108% so với mức năm 1990.

Thủ tướng John Howard đã từng tuyên bố rằng ký Công ước Kyoto sẽ chẳng đem lại điều gì cho Australia – quốc gia có lượng khí nhà kính thải ra nhiều thứ 10 trên thế giới. Nhưng giờ đây, chính Australia đã thấy được tác hại của việc nóng lên toàn cầu khi vụ hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 100 năm trở lại đây đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế.

Được biết, trong vòng 2 tuần qua, Australia đã thông báo một dự án sử dụng năng lượng sạch thay thế trị giá 185 triệu đôla Úc (tương đương 143 triệu USD).