5 chú rùa vừa về với biển

Đầu tháng 12/2006, có thông tin cho biết, tại nhà hàng Duyên Hải, huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) có nuôi giữ tới 5 con rùa biển (*), trong đó có 4 con đồi mồi (<i>Eretmochelys imbricata</i>) và 1 con vích (<i>Chelonia mydas</i>) (**). Uớc chừng mỗi con nặng hơn 30 kg, còn con lớn nhất khoảng 65 kg. Các nhà cứu hộ lên đường.

Tại “hiện trường”, bác sỹ thú y cho biết cả 5 chú rùa đều đã trưởng thành và rất khoẻ mạnh. Như vậy, giải pháp thả chúng về biển mà không cần đưa về Trung tâm cứu hộ Côn Đảo chăm sóc là rất rõ ràng. Phần việc còn lại là vận động nhà hàng tự nguyện bàn giao rùa, tham vấn ý kiến chuyên gia và tổ chức phương tiện cứu hộ. Tổ chức Wildlife At Risk (WAR) đã cùng các đối tác vạch ra một kế hoạch tạm thời nhằm tìm kiếm giải pháp cứu hộ những chú rùa nói trên, nhờ cố vấn bên Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Chi cục Kiểm lâm thành phố hỗ trợ về phương tiện và con người.

Sau hai tuần nỗ lực, mọi việc đã diễn ra theo đúng dự kiến, với sự ủng hộ nhiệt tình của Chi cục kiểm lâm thành phố; nhà hàng Duyên Hải.



Một – hai – ba thả rùa về với biển


Ngày 19/12/2006, đoàn cứu hộ vui mừng khôn xiết khi hoàn thành tốt đẹp việc đưa những chú rùa trở về với biển. Qua tiếp xúc, ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc điều hành tổ chức WAR – người trực tiếp điều hành vụ cứu hộ 5 chú rùa biển nói trên, cho biết: sau nhiều cố gắng dàn xếp, cuối cùng đoàn cứu hộ chúng tôi đã đưa được các chú rùa ra đến phao số 0. Sóng lớn khiến tàu không thể dừng hẳn. Lần lượt, những chiếc hộp được mở ra. Tất cả hồi hộp dõi theo. Một… hai… và chỉ tới khi bóng dáng chú rùa thứ 5 hoàn toàn biến mất trong làn nước biển xanh sẫm, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Hé mở kinh nghiệm công tác của mình, ông Khôi khẳng định: khi con người sẵn sàng hợp tác với nhau và làm tốt công tác dân vận, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng. 

 * Thế giới có 7 loài rùa biển, trong đó Việt Nam có 5 loài, gồm: Vích (Chelonia mydas), rùa da (Dermochelis coriacea), quản đồng (Caretta caretta), đồi mồi dứa (Dermochelis coriacea) và đồi mồi (Eretmochelys imbricata). Cả năm loài này đều là những loài quý hiếm mang tính toàn cầu.

** Cả hai loài này đều được pháp luật bảo vệ (trong Phụ lục 5 – Các đối tượng bị cấm khai thác Thông tư số 02/2006/TT-BTS của Bộ Thủy Sản)