Một làng nghề đe doạ thân đê

Tuy không phải là nghề truyền thống, nhưng nghề mộc ở Thượng Thôn (xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Tây) đang phát triển rất mạnh, tạo nguồn thu chính cho người dân nơi đây. Nhưng làng nghề này ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, còn đang đe dọa sự an toàn của con đê mạn hữu sông Hồng.

Đến đầu làng đã thấy một không khí sôi động của các xưởng sản xuất trong làng, ngoài đê. Các loại ô tô vận tải vào ra tấp nập. Dọc chân đê mạn hữu sông Hồng trên địa bàn xã Liên Hà có hàng trăm các loại xưởng sản xuất đồ mộc lớn, nhỏ được các hộ dựng, vừa làm nơi sản xuất, vừa làm kho chứa nguyên liệu và thành phẩm. Từng đống gỗ nguyên liệu được chất rải rác ven sườn đê. Cách một quãng vài chục mét, lại có một máy cưa loại lớn xẻ gỗ xoèn xoẹt suốt đêm ngày, cộng hưởng với tiếng chàng, đục, bào… tạo nên âm thanh sống động cho làng nghề.

5 năm trở lại đây, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở Liên Hà được giữ vững và ổn định, tạo nguồn thu chính. Làng Thượng Thôn của xã đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề đồ mộc dân dụng, giải quyết phần lớn lao động dư thừa trên địa bàn và các vùng lân cận. Đến nay đã có gần 100% số hộ ở Liên Hà tham gia làm nghề.

Nhờ nghề này, nhà cao tầng trong xã mọc lên như nấm. Tỉ phú là chuyện không hiếm ở vùng nông thôn này, nhất là những người trẻ tuổi như các anh: Nguyễn Tiến Đường, Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Văn Đào, Nguyễn An Ngọc… Hầu hết, họ đều ở lứa tuổi từ 30-45. Đây là lực lượng chính trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề mộc ở Liên Hà. Sản phẩm của Liên Hà khá đa dạng: các loại giường, tủ, bàn, ghế, cánh cửa… phục vụ ngành xây dựng, nội thất…
Nghề mộc đã thu hút hầu hết lao động chính trong xã. Những người có sức khoẻ tốt thì vận hành máy xẻ gỗ, người có tay nghề cao phụ trách những công việc kỹ thuật chính, thợ phụ hầu hết là các em học sinh đã học xong phổ thông hoặc tranh thủ thời gian ngoài giờ đến trường kiếm chút tiền mua đồ dùng học tập, còn phụ nữ và những người lớn tuổi làm các dịch vụ thu gom phế liệu, mùn cưa đem bán ở các nơi… Người làng nghề, ai cũng có việc, cần mẫn trong một chu trình khép kín. Thu nhập cao từ công việc đã cuốn hút khiến người dân không còn thời gian rảnh rang cho những trò vô bổ và tệ nạn xã hội…

Với mức thu nhập từ vài chục ngàn (những người phụ việc) cho đến vài triệu đồng (những thợ có tay nghề cao) thực sự đã cải thiện đời sống vật chất cho người dân Liên Hà.

Chính vì vậy, gia đình nào cũng cố gắng để đầu tư lập xưởng sản xuất. Hộ nhiều vốn thì lập xưởng lớn, hộ nhỏ thì lập xưởng nhỏ. Tất cả những diện tích sân vườn, mặt đê, chân đê đều được họ tận dụng từng mét vuông.

Điều đáng lo ngại ở đây, do thiếu mặt bằng, hầu hết các hộ làm nghề đều đặt xưởng sản xuất dọc chân đê mạn hữu sông Hồng. Chỉ có một đoạn đê vài km mà có tới hàng trăm xưởng được dựng lên. Chưa hết, trên bề mặt ven đê, họ còn tận dụng để bày nguyên liệu và đặt máy cưa, ảnh hưởng đến giao thông vốn đã rất sôi động trên mặt đê, bởi các loại xe ô tô chở hàng vào, ra hàng ngày. Đành rằng, hiện nay chưa có nguy hiểm đe doạ đến sự an toàn cho thân đê, nhưng vào thời điểm thời tiết được cảnh báo là có những diễn biến phức tạp, nạn lở đất đã xảy ra ở xã Hồng Hà cách đó không xa đã gióng lên hồi chuông báo động!

Không chỉ đe dọa thân đê, nghề mộc ở Liên Hà còn đang trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, nhất là những xưởng sản xuất nằm trong khu dân cư, bởi tiếng ồn và các loại chất thải từ vỏ gỗ, bụi mùn cưa… Người làng nghề hiện nay đang phải đối mặt với các căn bệnh về đường hô hấp đang ngày đêm gặm nhấm sức khỏe người dân nơi đây.

Để giải quyết vấn đề môi trường, nhất thiết các hộ làm nghề cần phải di chuyển ra khỏi khu dân cư và có một cơ sở hạ tầng đồng bộ cho quy mô sản xuất. Giải pháp để phát triển nghề mà vẫn an toàn cho thân đê hiện nay đang được các cấp chính quyền xã Liên Hà quan tâm nhiều nhất. Chính quyền xã đang gấp rút chỉ đạo triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng điểm tiểu thủ công nghiệp – làng nghề đã được phê duyệt với diện tích 9,5ha ở khu Cầu Dạ thuộc cụm 1, cụm 2 của Thượng Thôn nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất cho khoảng 600 hộ trong xã. Ngoài ra, một điểm công nghiệp lớn hơn với diện tích 11ha ở khu đường 79 thuộc thôn Quý cũng đang được quy hoạch.