Giữ sạch nước giếng ở vùng lũ lụt

Đây là cách giữ sạch nguồn nước giếng đơn giản nhất, không tốn kém, phù hợp với mọi cộng đồng dân cư và thân thiện bền vững với môi trường.

Mùa mưa lũ đang đến, tôi xin đem đến một sáng kiến đơn giản mà có thể loại trừ được nước giếng nhiễm bẩn ở vùng bị lụt. Đây là sáng kiến của tôi đã đoạt giải 3 trong cuộc thi “Phát hiện sáng kiến bảo vệ môi trường” do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức. Sáng kiến “Giữ sạch nước giếng ở vùng lũ lụt” sẽ chẳng có tác dụng gì khi không có lũ lụt hoặc ở những vùng không dùng đến giếng nước. Nhưng đây là một giải pháp hữu ích khi mà nguy cơ thiên tai lũ lụt luôn rình rập trên nhiều vùng của đất nước ta, và con người vẫn lấy nguồn nước giếng dùng cho sinh hoạt.

Ý tưởng của tôi đưa ra xuất phát từ tâm huyết tôi muốn chia sẻ muốn nhiều người biết đến để có lúc cần ứng dụng. Nó không đem lại cho tôi tiền bạc như các ý tưởng dùng để kinh doanh, chính từ đây tôi mong rằng ý tưởng này sẽ đến với mọi người dân, đặc biệt đến với vùng nông thôn xa, với những người dân nghèo. Được cống hiến một ý tưởng nhỏ bé của mình cho cộng đồng là niềm hạnh phúc, là ước vọng của tôi.

Lê Văn Thưa (Quảng Bình)

Thực trạng xử lý giếng nước sau ngập lụt

Giếng nước là sản phẩm đã có từ ngàn xưa gắn bó phục vụ cho con người. Giếng chính là cái bình chứa nước thông nhau với nguồn nước ngầm (kể cả nước lụt). Mỗi khi có ngập lụt, nước giếng thường bị ô nhiễm nặng. Đây là thời điểm khó khăn về nước sạch dùng sinh hoạt cho con người, nguy cơ gây ra dịch bệnh rất cao. Sau khi nước rút, để có nước sạch dùng – thông thường người ta sử dụng các cách sau:

– Phương pháp truyền thống: Thau, vét giếng trong lúc mức nước giếng đang cao. Cách này vừa mất thời gian vừa dẫn tới nguy cơ vỡ thành giếng hoặc bị bùn cát dưới đáy giếng đùn lên làm hỏng giếng. Nguyên nhân: do chênh lệch quá lớn áp lực nước bên ngoài với bên trong thành giếng.

– Phương pháp dùng hoá chất: Sử dụng phèn chua, Cloramin để làm trong và tẩy trùng. Cách này vừa tốn kém vừa dẫn đến nước có mùi và kèm theo sự độc hại nhất định cho người dùng. Mặt khác, nếu quy mô trận lụt là cả một vùng dân cư rộng lớn thì khả năng sử dụng hoá chất thật khó đáp ứng nổi, gây nhiều tốn kém và không thân thiện với môi trường.

Việc khắc phục hậu quả ô nhiễm nước giếng sau lụt bằng phương pháp truyền thống và dùng hoá chất đã không giải quyết triệt để làm sạch nước giếng mà còn tốn kém. Theo tôi, muốn bảo vệ được giếng nước sạch ta phải hiểu cơ cấu của giếng để có cách xử lý phù hợp.

Cơ cấu của giếng và ý tưởng giữ sạch nước giếng

Con người đã sáng tạo ra giếng nước từ xa xưa: chỉ cần đào một cái hố sâu dưới có nước gọi là giếng! Nay tôi xin đưa ra khái niệm rằng: Giếng nước là cái bình chứa nước nằm lọt trong cái “bình” mênh mông là không gian chứa giếng (gồm lòng đất nước ngầm, mặt đất kể cả nước lụt). Giếng nước hoạt động theo nguyên tắc vật lý, đó là cân bằng áp lực về chất lỏng (nước) qua 2 bình thông nhau. Bình nhỏ là giếng, thông với bình lớn là không gian chứa giếng. Nước được thẩm thấu qua đất cát, sỏi đá lọc sạch vào giếng. Đây chính là mấu chốt của vấn đề để đi đến một giải pháp. Khi gặp lũ lụt, nước dâng cao vượt qua thành giếng mới dẫn đến nước giếng bị nhiểm bẩn.

Ý tưởng của tôi là: Hãy bịt miệng giếng lại trước khi nước lụt kịp vượt qua thành giếng, coi như “đóng gói nước giếng lại” (cũng giống như việc đóng cửa lại để khỏi bụi bẩn bay vào nhà). Đây như là hình thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Giải quyết việc bịt miệng giếng này lại rất đơn giản, chẳng tốn kém khó khăn gì, chỉ cần một tấm vải chất liệu không thấm nước cùng một sợi dây buộc miệng giếng, để ngăn cách nước trong giếng với nước lũ lụt ngập lên.

Một tấm vải mưa mong manh bịt miệng giếng mà giải quyết một vấn đề cốt lõi là bảo vệ được nước giếng sạch nằm trong biển nước lụt là do: Tấm vải mưa không can dự gì về vấn đề áp lực nước, bởi lẽ nước trong giếng và ngoài giếng đã cân bằng nhau vì nguyên lý 2 bình thông nhau qua thẩm thấu từ cát sỏi ở đáy giếng. Sự thông nhau bằng thẩm thấu này diễn ra một cách đương nhiên, vì khi nước lụt dâng lên thì nước trong giếng cũng dâng theo cân bằng. Cho đến khi nước lụt sắp ngang miệng giếng thì ta dùng tấm vải mưa bịt miệng giếng lại. Như thế ta đã “đóng gói nước giếng, thả giữa biển nước lụt”.

Cách thực hiện

– Chuẩn bị trước vật liệu: Một tấm vải không thấm nước như vải đi mưa, tăng bạt, tấm nhựa Polietylen độ rộng lớn hơn miệng giếng. Chuẩn bị một sợi dây để buộc 1 đến nhiều vòng (Nếu là dây cao su càng tốt).

– Cách làm: Dùng tấm vải mưa phủ lên miệng giếng, sử dụng dây buộc chặt quanh miệng giếng đồng thời kéo căng tấm vải mưa là xong.

– Thời điểm bịt miệng giếng: Nhất thiết và tốt nhất là khi nước lụt sắp tràn qua miệng giếng, hoặc trước đó.

– Lưu ý: Khi thực hiện giải pháp này, giếng phải có thành cao hơn mặt đất, thành giếng nếu bị nứt vỡ phải chèn xi măng kín trước khi xảy ra lụt.

Hiệu quả

Ứng dụng giải pháp “Giữ sạch nước giếng ở vùng lũ lụt” như trên đã trình bày, khi nước lụt rút khỏi miệng giếng, ta mở tấm bịt giếng ra, chắc chắn ai cũng không khỏi ngạc nhiên vì nước giếng vẫn trong như vốn có, khác với bên ngoài giếng nước, lũ vẫn đục ngầu. Thế là ta có nước sạch dùng được ngay.

Gia đình tôi nằm trong vùng thường bị lũ lụt, tôi đã ứng dụng nhiều lần, kết quả đều như vậy.

Nếu mọi người được phổ biến đầy đủ cách làm này thì đến khi bị ngập lụt không còn lo cảnh thiếu nước sạch sau lụt. Nhà nước đỡ phần lo ô nhiểm nguồn nước sinh hoạt trong dân chúng giảm nguy cơ dịch bệnh lây truyền. Đồng thời không phải sử dụng đến hoá chất để làm sạch nguồn nước. Đây là cách bảo vệ nguồn nước giếng đơn giản nhất, không tốn tiền của, rất phù hợp với mọi cộng đồng dân cư mà lại thân thiện bền vững với môi trường sống.